Thực hiện đồng bộ giải pháp hạn chế ô nhiễm nguồn nước

|

Hiện nay, 94% nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước ở TPHCM đến từ nước mặt của lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đáng lo ngại, nguồn cung cấp nước này đã và đang bị suy giảm về chất lượng do tác động của quá trình đô thị hóa và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. \r\n

Rác trên rạch Ông Lớn (quận 7 và quận 8, TPHCM) sẽ trôi ra các sông lớn, làm ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều điểm bị ô nhiễm 

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước kênh rạch ngoại thành 6 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường, Sở TN-MT TPHCM, cho thấy, nhiều vị trí quan trắc trên kênh Ba Bò (kênh tiếp giáp giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương); khu vực Suối Cái - Xuân Trường; kênh Thầy Cai và sông Cần Giuộc; rạch Nước Lên - sông Chợ Đệm; kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật… bị ô nhiễm chủ yếu bởi các vi sinh (Coliform), chất hữu cơ (BOD5) và ammoni (NH4). Mức độ ô nhiễm dao động tùy thuộc vị trí và thời điểm quan trắc. Nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt chưa xử lý, nước mưa chảy tràn và bị rác vứt vào. Quan trắc ở 21 vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai (khu vực lấy nước cho các nhà máy nước) cũng cho thấy, cần lưu ý về nồng độ của một số chất lơ lửng, vi sinh, Fe…

Thực tế cho thấy, sông Sài Gòn đang phải “gồng mình” gánh một khối lượng nước thải khổng lồ trực tiếp thải ra từ các khu dân cư, khu đô thị, các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất... nằm dọc sông. Ghi nhận thực tế dọc sông Sài Gòn qua quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức... cho thấy, nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, đô thị, nhà hàng quán ăn... khi đổ ra sông Sài Gòn qua các cống thoát nước đều có màu đen, mùi tanh hôi. Quan sát kỹ thì thấy nước thải sền sệt, pha lẫn nhiều tạp chất. Chị Trần Thị Hoa, người dân ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, kể, khu vực bờ sông Sài Gòn từ khi được nâng cấp, cải tạo khang trang đã trở thành nơi tập thể dục, giải trí của người dân ở khu vực này. Chỉ có điều, mỗi khi nước ròng, chị lại thấy nước thải ở tất cả cống thoát nước dọc bờ sông đổ ra đều có mùi hôi khó chịu, màu nước thì đen.  

Theo ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai ngày càng ô nhiễm do những hoạt động xả thải chưa được quản lý tốt. Các chất gây ô nhiễm như ammoni, hữu cơ, vi sinh, megan... trong nước sông ngày càng tăng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nước, buộc các nhà máy nước tăng lượng hóa chất xử lý để chất lượng nước đầu ra đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Các sở, ngành chức năng của TPHCM cũng nhìn nhận, nguồn nước thô hiện nay được khai thác trực tiếp ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Trong khi đó, giải pháp để xử lý tình trạng này đang gặp bất lợi do còn phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. 

Di dời điểm khai thác nước thô

 Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, theo ông Trần Kim Thạch, điều cốt yếu là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều tỉnh, thành dọc lưu vực sông nhằm phối hợp xử lý triệt để các nguồn thải từ các khu công nghiệp cũng như nguồn nước thải sinh hoạt, bảo đảm các nguồn nước thải ra phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Bộ TN-MT; có các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt và chế tài thật nghiêm khắc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường… 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, để triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các kênh rạch, thành phố sẽ đẩy mạnh tiến độ xây dựng và thu gom nước thải sinh hoạt về các khu xử lý nước thải tập trung của thành phố; tăng cường giám sát việc xả rác vào kênh rạch, quản lý và ngăn ngừa việc xả nước thải chưa xử lý, kết hợp với các giải pháp nạo vét khơi thông dòng chảy cũng như các giải pháp kỹ thuật khác để cải thiện chất lượng môi trường nước kênh rạch. Sở cũng đã kiến nghị, đề xuất lên HĐND TPHCM để hỗ trợ và bố trí ngân sách cho các dự án này. 

Trong đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050, TPHCM đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước. Theo đó, thành phố sẽ di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô là gia tăng an ninh, an toàn nguồn nước khi đối diện với các rủi ro và nhiễm mặn từ tác động của biến đối khí hậu, cũng như các vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực. Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp nước lựa chọn dây chuyền công nghệ xử lý nước phù hợp với tình hình thực tế.