Làm gì để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường? - Bài 2: Hợp tác quốc tế về xây dựng thành phố môi trường

|

Tại TP Đà Nẵng, trong khi vấn đế môi trường vẫn là thách thức, việc đa dạng hóa các nguồn lực được xem là yếu tố quan trọng trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn hạn chế. Đà Nẵng là một trong những thành phố đang thu hút rất nhiều dự án hợp tác quốc tế về môi trường nhờ vào tầm nhìn và định hướng phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường” hướng đến “Đô thị sinh thái”.

\r\n

Đối với hoạt động môi trường, cơ quan xương sống vẫn là sở ban ngành của TP Đà Nẵng và cơ quan hợp tác chính là những yếu tố thúc đẩy

Hiệu quả từ dự án hợp tác quốc tế

Tại phường Thanh Khê Tây, Hòa Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), từ tháng 11-2021 đến nay, với sự hỗ trợ nguồn lực và kiến thức từ dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước”, ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng TNMT quận Thanh Khê cho biết, địa phương đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho khoảng 520 người thuộc nhóm nòng cốt triển khai dự án như: phân loại xử lý rác và bảo vệ nguồn nước; giám sát triển khai mô hình, tuyên truyền tham gia mô hình “Khu dân cư bền vững về môi trường”; kiến thức ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sử dụng năng lượng hợp lý…

Sau tập huấn, lực lượng nòng cốt địa phương tiến hành tập huấn, chia sẻ kiến thức cho các hộ gia đình trong khu dân cư. Tháng 7-2022, quận Thanh Khê đã tổ chức tập huấn chi tiết về công tác bảo vệ môi trường, triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến từng tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ mặt trận trên địa bàn.

UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT TP Đà Nẵng) tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Đề án “Xây dựng Thanh Khê – Quận môi trường” giai đoạn 2021-2030

Hiện, người dân tại khu dân cư này thường xuyên thực hiện các hoạt động như phân loại rác thải tài nguyên, xử lý rác hữu cơ làm phân vi sinh và nước tẩy rửa; giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các sáng kiến như sử dụng làn đi chợ thay thế cho túi ni long; thực hành tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý tại các hộ gia đình. Đặc biệt, nhóm nòng cốt các khu dân cư tiến hành hoạt động định kỳ như dọn dẹp rác thải tại khu dân cư, ra quân dọn vệ sinh khu dân cư vào ngày chủ nhật cuối cùng của các tháng…

Người dân Thanh Khê tạo thói quen phân loại rác qua những mô hình, phong trào

Địa phương cũng triển khai thi công một số công trình cải thiện vấn đề rác và nước, giải quyết các vấn đề cấp thiết tại khu dân cư gồm: làm phông che chắn rác tại điểm tập kết rác Bàu Trảng 7 (phường Thanh Khê Tây); cải thiện chất lượng môi trường tại Khu vực Xuân Hòa A (phường Hòa Khê); bể ủ rác hữu cơ tại Hồ Xuân Hòa A…

Theo ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, năm 2022, Viện đã phối hợp CECR triển khai Dự án nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số mức độ cảm nhận của người dân về công tác bảo vệ và quản lý môi trường cấp quận/huyện tại TP Đà Nẵng. Dự án đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm áp dụng bộ chỉ số đánh giá này tại 4 quận/huyện, gồm: Hải Châu, Liên Chiểu, Hòa Vang và Sơn Trà với 624 mẫu khảo sát.

Bộ chỉ số gồm 3 nhóm chỉ số chính: Nhận thức cộng đồng; Hành vi cộng đồng; Mức độ hài lòng cộng đồng, với 7 chỉ số thành phần. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế trong năm đầu thử nghiệm, nhìn chung Bộ chỉ số đáp ứng mục tiêu ban đầu đề ra: phản ảnh được mức độ cảm nhận của người dân, từ đó có những nhận định phù hợp về công tác bảo vệ và quản lý môi trường cấp quận/huyện; có thể phục vụ việc đánh giá, xếp hạng các quận/huyện: tạo động lực cạnh tranh nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và quản lý môi trường địa phương; có tính khả thi, có thể làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách về môi trường đối với các cấp chính quyền cũng như các cơ quan quản lý nhà nước; có khả năng nhân rộng áp dụng tại các tỉnh thành, địa phương khác trên cả nước.

UBND quận Thanh Khê phối hợp với tổ chức WWF tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và kỹ năng vận động cộng đồng

Là đơn vị triển khai dự án, theo ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm CECR, mục tiêu chính của tiểu dự án này là phát triển thành công các mô hình cộng đồng bền vững, có kiến thức và thực hành đúng quy định bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Mỗi người dân và cộng đồng đều có năng lực tiếp cận thông tin, giám sát các vấn đề môi trường xung quanh.

Qua 2 năm, khoảng 80% các hoạt động dự án đều có hiệu quả trong công tác quản lý môi trường của mỗi ngành, địa phương liên quan và được Sở TNMT TP Đà Nẵng đánh giá cao. Điều quan trọng vẫn là các hoạt động của dự án luôn gắn với nhu cầu địa phương như xây dựng khu dân cư bền vững, quản lý môi trường ở các lưu vực sông, hồ như sông Phú Lộc, Âu Thuyền Thọ Quang, triển khai các mô hình thí điểm về xử lý để tăng tỷ lệ tái sử dụng nước, phối hợp triển khai các hoạt động của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn,…

Cởi mở với mô hình sáng tạo

Còn theo bà Ann Maxine Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, USAID tại Việt Nam, để cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân bền vững, một trong những giải pháp quan trọng là đem đến cái nhìn và cách tiếp cận mới cho TP Đà Nẵng trong việc đa dạng hóa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường. Để hợp tác có thể ký kết, USAID đánh giá cao Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đến năm 2030 do UBND TP Đà Nẵng ban hành bởi khi mục tiêu đề án cụ thể thì việc hợp tác càng hiệu quả, có chiều sâu.

Tốc độ đô thị hoá tại TP Đà Nẵng diễn ra nhanh trong những năm gần đây vì vậy giải quyết các vấn đề về môi trường là hết sức cần thiết

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho TP Đà Nẵng cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về công tác bảo vệ môi trường như quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ước tính, giai đoạn 2021-2024, TP Đà Nẵng đã và đang huy động được trên 70 tỷ đồng tài trợ, hỗ trợ cho địa phương. Điều này có được là do các chủ trương, chính sách đã ban hành của trung ương và TP Đà Nẵng rất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và mối quan tâm của các cơ quan, tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước đối với thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu quốc tế tham quan mô hình Khu dân cư phát triển bền vững tại phường Hòa Khê (quận Thanh Khê)

Thông qua các dự án có nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, TP Đà Nẵng đã tạo được quan hệ tốt và sự tin cậy với các tổ chức, đơn vị tài trợ, hỗ trợ; các tổ chức trong và ngoài nước đã chủ động liên hệ, đề xuất hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động nghiên cứu, thí điểm. Điều này tạo thêm cơ hội, điều kiện thuận lợi cho TP Đà Nẵng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế khi muốn giải quyết các vấn đề về môi trường.

Với nhiều hợp tác quốc tế như vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TNMT TP Đà Nẵng) nhìn nhận, công tác về bảo vệ môi trường ở TP Đà Nẵng sẽ dần đi vào chiều sâu, gắn với các vấn đề thực tiễn tại mỗi địa phương, lĩnh vực hơn nữa. Tuy nhiên, cơ quan xương sống vẫn là sở ban ngành của TP Đà Nẵng và cơ quan hợp tác chính là những yếu tố thúc đẩy.
Lễ ký kết trực tiếp dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước vào ngày 4-6-2021

"Quan điểm khi hợp tác, các anh đem đến cái gì thì đảm bảo chúng tôi phải cần cái đó và sản phẩm, mô hình thì không được cất vào tủ. Đôi lúc có những trao đổi căng thẳng, tuy nhiên lực lượng địa phương sẽ và phải cởi mở với mô hình sáng tạo, bức phá. Mục tiêu dài hạn là làm thế nào để thiết lập và xây dựng được mô hình đô thị sinh thái và kinh tế tuần hoàn, chúng tôi cần có những hỗ trợ kỹ thuật, những dự án quy mô để ngay từ bây giờ có lộ trình, ứng dụng thực tiễn… để đi trước về một xã hội tái chế", bà Hà nói.