Cuối năm, rác thải cồng kềnh tuồn ra phố

|

Cuối năm, người dân thường dọn nhà cửa, bỏ cũ sắm mới. Cứ mỗi lần như vậy, rất nhiều đồ cũ, hư hỏng như bàn ghế, giường chiếu, chăn mền… bị bỏ đi. Đáng nói, khối lượng rác thải cồng kềnh này đang bị tuồn ra các khu vực công cộng, gây mất mỹ quan đô thị tại TPHCM.

Vứt bừa bãi

Những ngày này, khi lưu thông trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, mọi người không khó để bắt gặp những đống rác đồ cũ phế thải nằm ngổn ngang ven đường, gầm cầu, bãi đất trống. Mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo phải bỏ rác đúng nơi quy định, thế nhưng tình trạng xả rác bừa bãi ra khu vực công cộng vẫn cứ tái diễn, gây nhiều bức xúc.

Ghi nhận tại ngã tư đường Cao Lỗ - hẻm C7C Phạm Hùng và ngã ba đường Cao Lỗ - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, cho thấy, nơi đây xuất hiện khá nhiều rác đồ cũ do người dân thải ra. Những chiếc nệm, bàn ghế, bồn cầu vệ sinh hư, cũ, vứt bỏ vô tội vạ, nằm ngổn ngang dọc tuyến đường. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là những chướng ngại vật, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường.

Tình trạng này cũng xảy ra ở vỉa hè đường Trường Sa, quận Bình Thạnh. Đi suốt con đường này một ngày cuối tuần qua, chúng tôi nhận thấy ở đây hình thành đống rác đồ dùng gia đình với rất nhiều nệm mút hư hỏng, gối cũ, nhiều tấm bạt rách bị vứt bỏ. Một người chạy xe ôm tại khu vực cầu Bông kể lại, ở khu vực gầm cầu Hoàng Hoa Thám, gầm cầu Bông (quận Bình Thạnh) thường xuất hiện các loại rác thải như bàn ghế, nệm mút, chậu trồng hoa kiểng…

Một số người thường lợi dụng đêm tối để mang ra đây bỏ bừa bãi, rác thải ngổn ngang ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông của các phương tiện. Càng về cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa của người dân càng nhiều, đồng nghĩa với việc xả rác thải nhiều hơn.

Tuyến đường Vành đai Tây, phường An Khánh, TP Thủ Đức (TPHCM) đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Mặc dù các cơ quan chức năng cắm biến cấm đổ rác, thế nhưng tình trạng người dân xả rác ra đường vẫn khá phổ biến. Rác lúc nào cũng nằm ngổn ngang ven đường, từ bao ni lông, thùng xốp, thức ăn thừa… cho đến rác đồ dùng gia đình, xà bần. Chị Lan (ngụ khu phố 3, đường Vành đai Tây, phường An Khánh, TP Thủ Đức) kể, buổi tối ra quét dọn khu vực trước nhà vẫn thường thấy khu vực bên kia đường trống trơn, không một bịch rác, vậy mà sáng hôm sau, khi mở cửa ra đã thấy bộ ghế sofa cũ, chiếc bàn gỗ gãy nát lù lù trước mắt.

Rác thải cồng kềnh ngổn ngang ở ngã ba Nguyễn Văn Linh - Cao Lỗ, huyện Bình Chánh, TPHCM

“Tết đến, xuân về, ai cũng mong muốn có một môi trường xanh, sạch để vui chơi, vậy mà có những người lại thiếu ý thức mang rác bỏ bừa bãi ra đây, dường như họ chỉ biết sạch cho nhà mình”, chị Lan bức xúc. Nhiều người dân sinh sống ở khu phố 4, phường An Khánh, TP Thủ Đức cũng phản ánh, các loại rác thải cồng kềnh do khó khăn trong việc vận chuyển, bốc xếp, xử lý, nên không được các đơn vị thu gom vận chuyển, tồn đọng lâu ngày. Nếu nhà ai có sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa và phát sinh xà bần, họ phải trả thêm tiền cho bên thu gom rác thì mới được dọn đi.

Đồng bộ các giải pháp

Trước tình trạng vứt rác thải vô tội vạ dịp cuối năm, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Quách Kiều Long, Trưởng phòng TN-MT quận 3, cho biết, quận thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường ở khu dân cư như thực hiện phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định…

Đối với loại rác cồng kềnh, quận đã hướng dẫn người dân cách thu gom, vận chuyển đến các điểm quy định vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Song song đó, quận cũng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra địa bàn để tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định.

Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường dịp cuối năm, đón năm mới, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp sạch sẽ các loại chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp cồng kềnh, xây dựng) ở các khu đất trống, dưới gầm cầu, vỉa hè, trạm chờ xe buýt, trụ quảng cáo. Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn người dân chuyển giao rác phát sinh từ quá trình sinh hoạt, làm việc của các hộ gia đình cho đơn vị có chức năng để tổ chức thu gom, vận chuyển đi xử lý theo quy định.

Ngoài ra, huyện cũng giao Đội Quản lý trật tự đô thị chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường công cộng; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về xả rác thải tại khu dân cư không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo ông Vũ Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, để tăng cường công tác quản lý rác thải trên địa bàn, quận đã chỉ đạo phòng TN-MT làm đầu mối biên soạn, cung cấp tài liệu và hướng dẫn phương thức phân loại, thu gom cho các phường. Bên cạnh đó, quận cũng yêu cầu UBND các phường thực hiện tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải về phương thức tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải cồng kềnh của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 để các bên phối hợp thu gom, xử lý hiệu quả và đúng quy định.

Mặc dù chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng thực tế rác thải vẫn vứt bừa bãi trên nhiều địa bàn. Theo các chuyên gia môi trường, nguyên do là chưa có “thuốc đủ liều” để trị dứt căn bệnh “nan y” này. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, chính quyền cần bố trí các điểm tập kết rác thải cồng kềnh để đảm bảo nhu cầu của người dân, tránh tình trạng tùy tiện, bạ đâu vứt đó.

Đặc biệt, đã đến lúc phải hình thành các đội thanh tra môi trường, xử lý những đối tượng thiếu ý thức xả rác thải bừa bãi, áp dụng các chế tài nghiêm khắc như phạt tiền nặng, công khai lên các phương tiện truyền thông đối với những trường hợp tập kết, đổ trộm rác thải sai quy định.