100% cá nhân thu gom rác dân lập vào hợp tác xã, doanh nghiệp

|

TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo, từ năm 2021, TPHCM triển khai phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm chính, gồm nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ năm 2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Để triển khai đồng bộ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt và đảm bảo phân loại thành 3 nhóm, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND TP Thủ Đức và quận huyện rà soát lại tình hình tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại;… Từ đó xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2023-2025. Đến nay, Sở TN-MT đang hoàn thiện dự thảo Đề án để trình UBND TPHCM.

TPHCM đã vận động, chuyển đổi 100% tổ chức cá nhân thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Ảnh: THANH HIỀN

Đối với công tác tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập và chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn, thành phố đã vận động, chuyển đổi 100% tổ chức cá nhân thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Về công tác chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, UBND TPHCM đã chấp thuận cho TP Thủ Đức và các quận hoàn tất công tác này chậm nhất đến hết năm 2023; các huyện hoàn tất chậm nhất đến hết năm 2025.

Tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, hiện nay có tổng số lượng phương tiện thu gom, vận chuyển hiện hữu là 6.352 phương tiện. Trong đó, có 3.870 phương tiện đạt chuẩn; chiếm tỷ lệ 61%; còn lại 2.482 phương tiện không đạt chuẩn; nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.898 phương tiện.

Đối với chính sách hỗ trợ tài chính vay ưu đãi chuyển đổi phương tiện, Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Sở TN-MT thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức đối với các dự án chuyển đổi phương tiện thu gom. Hạn mức vay không quá 70% tổng mức đầu tư với mỗi dự án, vay không quá 7 năm và lãi suất vay ưu đãi hiện nay là 3,86%/năm. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ vay ưu đãi với 117 dự án, hỗ trợ chuyển đổi 145 phương tiện, với tổng số tiền hỗ trợ duyệt vay là hơn 135 tỷ đồng.

Trồng 500 cây xanh bảo vệ đất, chống xói mòn vùng rốn lũ Hải Lăng, Quảng Trị

18 tuyến kênh, rạch được lên phương án vớt rác mỗi ngày