Cảnh báo lừa đảo liên quan mở thẻ tín dụng

|

Thời gian qua, các ngân hàng liên tục cảnh báo khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi liên quan đến mở thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền.\r\n

Cụ thể, ngày 25-11, VPBank cho biết đã xuất hiện tình trạng kẻ gian sử dụng thiết bị viễn thông đa phương tiện như website, gửi thư điện tử gắn với tên ngân hàng tự xưng là cán bộ kinh doanh của ngân hàng để chào mời khách hàng vay gói tín dụng thông qua mở thẻ tín dụng với ưu đãi hạn mức lên đến 50 triệu đồng, lãi suất 0%; sau đó hướng dẫn khách hàng thực hiện gửi hồ sơ mở thẻ qua đường bưu điện. Khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay tín chấp hoặc vay tín dụng qua điện thoại. Sau đó, thẻ được chuyển đến khách hàng qua đường bưu điện và yêu cầu phải nộp lại tiền bảo hiểm thẻ không lãi suất với số tiền 1,65 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, khách hàng không thể liên hệ với số điện thoại đã gọi, cũng không thể sử dụng thẻ giả này để rút tiền. 

CBBank cũng cho biết hiện ngân hàng chưa phát hành thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường mà chỉ có sản phẩm thẻ ATM nhưng thời gian qua vẫn có khách hàng của CBBank cho biết nhận được cuộc gọi tự xưng nhân viên CBBank thông báo được tặng thẻ khách hàng thân thiết, thẻ tín dụng… rồi yêu cầu khách hàng đóng phí 200.000 - 300.000 đồng để nhận thẻ. 

Trước đó, SCB cũng phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh nhân viên của SCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng. Theo SCB, nhiều trường hợp giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn và miễn lãi suất trong 3 năm. Khách hàng chỉ cần thanh toán phí từ 300.000 đồng trở lên và cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại. Để tạo niềm tin cho khách hàng, sau khi cung cấp các thông tin cá nhân, điện thoại khách hàng sẽ nhận được thông báo: “Khách hàng đã được SCB phê duyệt 1 khoản vay tín chấp hoặc 1 thẻ tín dụng”. Sau đó, các đối tượng lừa đảo gửi thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định (khoảng 300.000 đồng trở lên). Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại trên đều mất tín hiệu và khách hàng cũng không thể sử dụng thẻ giả này. 

Các ngân hàng khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng nhận thẻ tại các bưu điện kèm theo yêu cầu nộp phí mở thẻ qua nhân viên bưu điện. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng, yêu cầu chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn… Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối không nạp tiền, chuyển khoản cho người lạ hoặc người có dấu hiệu nghi vấn để tránh bị lừa đảo.