Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán

|

VN-Index ngày 17-12 đã đạt hơn 1.051 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) kể từ khi xác lập đáy trong tháng 3-2020, đã có mức tăng gần 50% chỉ trong khoảng 8 tháng. Sự bùng nổ thanh khoản diễn ra với giá trị giao dịch liên tục xác lập các mốc cao kỷ lục cho thấy TTCK đang hút dòng tiền chảy vào thị trường.\r\n

Nhà đầu tư mới giúp tăng điểm  

Sau khi VN-Index rơi xuống đáy vào tháng 3-2020 (khi Việt Nam chính thức công bố dịch Covid-19) xuống mức 660 điểm, hiện VN-Index không những lấy lại được những gì đã mất do ảnh hưởng từ Covid-19 mà còn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn đã tăng mạnh từ hơn 50% đến hơn 100% như: HPG tăng 104,2%; SSI tăng 71,9%; CTG 69,4%; STB tăng 58,7%...

Một trong những yếu tố quyết định đà tăng tích cực của TTCK thời gian qua chính là dòng tiền của nhà đầu tư mới, nhất là trong bối cảnh lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn đang phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khách hàng mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán SSI
Từ mức thanh khoản trung bình khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2019, 10 tháng đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK Việt Nam đạt hơn 6.200 tỷ đồng/phiên, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó từ tháng 10 đến tháng 12-2020, thanh khoản thị trường ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên.

Trong những phiên biến động mạnh, thanh khoản thị trường có khi lên đến 14.000-15.000 tỷ đồng/phiên giao dịch. Thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, chỉ trong tháng 11-2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân... Trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.451 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng 9. 

Theo quan sát, dòng tiền đang tiếp tục được đẩy vào thị trường cho thấy, kênh chứng khoán đang trở thành một trong những kênh đầu tư được ưu tiên của những người có nguồn tiền nhàn rỗi. Các công ty chứng khoán đánh giá, lực lượng nhà đầu tư F0 là nguồn lực vô cùng dồi dào và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Bởi lẽ, các nhà đầu tư F0 năm nay khác các thế hệ trước đây, họ gia nhập thị trường với sự tích lũy tài sản lớn nên dòng tiền đổ vào thị trường cũng rất lớn. Đó cũng là lý do bất chấp nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam tiếp tục rút ròng 7,7 triệu USD trong tháng 11-2020, VN-Index trong tháng 11-2020 vẫn tăng gần 8,5% so với cuối tháng 10.  

 Trong phiên giao dịch ngày 17-12, VN-Index đã rung lắc mạnh và giảm sâu gần 16 điểm. Mặc dù vậy, chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,22 điểm (1,43%) xuống 1.051,77 điểm với 148 mã tăng, 290 mã giảm và 47 mã đứng giá. Trong khi đó, đóng cửa tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,38 điểm (0,22%) lên 172 điểm với 86 mã tăng, 97 mã giảm và 54 mã đứng giá. Dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt mức cao kỷ lục với 16.357 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 950 tỷ đồng.

Lãi suất thấp hỗ trợ thị trường 

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do kích hoạt làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường năm nay. Trong đó, nguyên nhân do lãi suất ngân hàng đang cực kỳ thấp nên một lượng tiền đáng kể đã chảy từ kênh tiết kiệm sang TTCK vì hai kênh này đối trọng nhau.

Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 12-2020, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của nhiều ngân hàng lớn đã giảm thêm 0,2 điểm % so với trước đó, ở mức 5,6%/năm.

Ở các kỳ hạn 1-6 tháng cao nhất ở mức 4%/năm. Cùng với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay thì lãi suất cho vay mua cổ phiếu chỉ còn 10%-12%/năm, trong khi các năm trước thấp nhất cũng ở mức 12%-14%/năm.

Đó là chưa kể để thu hút dòng tiền, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói cho vay ký quỹ (margin) thời gian qua với lãi suất khá tốt khiến VN-Index diễn biến rất tích cực. Từ đầu tháng 12 đến nay, VN-Index đã lần lượt vượt các mốc kháng cự 1.000 - 1.030 điểm và đang quanh mốc 1.050 điểm. 

Bên cạnh yếu tố lãi suất thấp đã hỗ trợ TTCK, đại diện Công ty Chứng khoán MASVN nhận định, chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ tăng cường trong thời gian tới. Điều này không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho sự gia tăng giá trị của tài sản rủi ro trong bối cảnh các kênh tài sản khác như vàng, USD, tiền gửi… tiếp tục kém hấp dẫn, mà còn hỗ trợ cho bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp nói chung trong năm tới.

Nỗi lo sợ về đại dịch đã giảm đi đáng kể sau những tín hiệu lạc quan về vaccine cho Covid-19. Các đợt tiêm vaccine đang được tiến hành ngay trong tháng 12 tại các nước. Đây sẽ là cú hích đưa kinh tế toàn cầu sớm trở lại. Cùng với đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất xuống mức gần như bằng không. Dư địa giảm lãi suất trong nước vẫn còn. Từ đó, các nhà đầu tư tin rằng, rất ít khả năng lãi suất sẽ tăng trong tương lai gần. Điều này làm các tài sản rủi ro như cổ phiếu sẽ duy trì sức hấp dẫn. Đáng chú ý, với việc thị trường Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam sẽ được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên, trở thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số này.  Qua đó dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên sẽ chảy thêm vào TTCK Việt Nam