“Điểm đáy\" suy giảm, hay điểm bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới

|

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: \

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc diễn đàn

Sáng 11-1, tại Hà Nội, diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 - Vietnam Economic Scenarios” được tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”. Diễn đàn do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, vào thời điểm này năm ngoái, chúng ta đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị trên thế giới.

Bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực (tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý. “Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý”, bà Hằng bày tỏ quan ngại. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến “điểm đáy" suy giảm?

Tuy nhiên, vẫn theo Thứ trưởng, cũng có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon, như nhận định của Giám đốc bộ phận vĩ mô, Ngân hàng Goldman Sachs.

Quang cảnh diễn đàn

Tương tự, mặc dù báo cáo triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9-1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước, song toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms).

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: "Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2.400 tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, rất cần đánh giá sâu thêm tác động đến Việt Nam”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra trong vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.