Trang phục Việt trên phim: Cú nhảy vượt bậc

|

Cùng với sự đầu tư về bối cảnh, trong khoảng 4 năm trở lại đây, trang phục Việt trong phim bắt đầu được các nhà làm phim chú trọng. Một bộ trang phục đẹp và đúng bối cảnh không chỉ thỏa mãn phần nhìn, còn góp phần không nhỏ khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên thành công của phim.  \r\n

Trang phục của diễn viên Jun Vũ trong Người bất tử được may thủ công kỹ lưỡng

Ấn tượng  

Người bất tử, bộ phim mới nhất của đạo diễn Victor Vũ, có thể chưa làm thỏa mãn người xem về nội dung, nhưng phần trang phục của phim, nhất là ở giai đoạn đầu khi nhân vật Hùng sống dưới thời Pháp thuộc, hoàn toàn thuyết phục. Từng bộ vest, áo dài nam, áo dài cho ả đào đến phục trang binh lính, bà đồng, người đưa tang… đều là chấm sáng hoàn hảo cho bối cảnh đầu thế kỷ XX.   

Một bộ phim khác cũng gây ấn tượng về trang phục không kém trong năm 2018 là Quý cô thừa kế (Nguyễn Hoàng Duy). Cùng bối cảnh hiện đại, phần phục trang trong Gái già lắm chiêu của Nam Cito, Bảo Nhân cũng không thể chê được. Lâm Gia Khang, Đỗ Mạnh Cường, Lưu Ngọc Kim Khanh, Li Lam… là những thương hiệu thời trang người xem có thể tìm thấy trong 2 bộ phim này. 

Ở thể loại cổ trang, phim xưa, trang phục trong các phim: Thiên mệnh anh hùng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Em là bà nội của anh, Cô ba Sài Gòn, Mẹ chồng, Trạng Quỳnh… đều được nhà sản xuất mạnh tay chi hàng tỷ đồng. Riêng phục trang trong Cô ba Sài Gòn hơn 200 bộ, ngốn hết của nhà đầu tư gần 2 tỷ đồng. Áo tứ thân, áo dài, áo bà ba, từng chiếc mấn cho đến váy áo hiện đại đều được chăm chút, cách điệu hoặc cách tân gắn liền với tạo hình nhân vật. Một đội ngũ gồm những tên tuổi uy tín được mời giúp thiết kế hoặc tư vấn thời trang cho phim như: Trịnh Hoàng Diệu, Thủy Nguyễn, Công Trí, Tùng Vũ, Mai Lâm, Tuấn Trần… Trong đó, thành công nhất phải kể đến Em là bà nội của anh và Cô ba Sài Gòn, bởi sau khi phim ra rạp, trào lưu mặc trang phục theo phong cách vintage (cổ điển) và áo dài đã lan vào đời sống thường nhật. 

Theo ông Jose Mari Basilio Pamintuan (Joji), chuyên gia người Philippines, từng làm việc tại Hollywood và đảm nhận việc tạo dựng bối cảnh, thiết kế trang phục trong các phim điện ảnh Việt như Thiên mệnh anh hùng, Để mai tính, Cô dâu đại chiến, trong vòng 4 năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã có những thay đổi đáng ngạc nhiên về cách làm phim cũng như các công việc có liên quan để tạo ra một sản phẩm chất lượng, nhất là khâu thiết kế phục trang. 

“Các bạn đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của thiết kế sản xuất, quan tâm đến thời trang và phục trang trong phim, đã chịu đầu tư cho trang phục cũng như dành nhiều thời gian tìm kiếm những bối cảnh tốt hơn. Nếu như 10 năm trước, các ê kíp sản xuất phim trong nước không có cái nhìn đúng về vai trò của người tạo dựng bối cảnh, thiết kế trang phục, thì hiện tại những công việc này đã được nhìn nhận đúng đắn”, ông Joji chia sẻ. 

Đẹp thôi đã đủ?

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phục trang trong phim, nhà thiết kế Thủy Nguyễn bày tỏ: “Phục trang cho phim vừa phải đáp ứng yếu tố thời trang, vừa phải phù hợp với bối cảnh, tính cách, tạo hình nhân vật. Cái đẹp luôn được đề cao nhưng chỉ được coi là đẹp khi nó hài hòa với bối cảnh diễn ra câu chuyện, những yếu tố văn hóa, lịch sử liên quan”.  

Đồng quan điểm, đại diện Sử Talk (một nhóm bạn trẻ chuyên nghiên cứu về lịch sử), trong buổi trò chuyện Thời trang trong phim do Học viện Thời trang Việt Nam và Đại học Hutech tổ chức, chia sẻ: “Khi bắt đầu làm phục trang, giữa nhà thiết kế trang phục và người làm bối cảnh phải làm việc chặt chẽ với nhau và với đạo diễn để tìm hiểu bối cảnh câu chuyện. Tùy theo thể loại phim mà nhà thiết kế phải phản ánh chính xác chi tiết trên bộ trang phục hoặc có thể sáng tạo bay bổng”. Giám đốc sáng tạo Hiếu Vũ của Trạng Quỳnh, chia sẻ quá trình hình thành ý tưởng về phục trang cho phim vừa phải đảm bảo tính thuần Việt, đồng thời phản ánh được tính cách nhân vật và giá trị thẩm mỹ phải rất cao. 

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Joji cho biết, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, hoặc trước đó là Thiên mệnh anh hùng, đều là những bộ phim mang hơi hướng dã sử, viễn tưởng nên trang phục trong phim có phần nào sự cách điệu. Tuy nhiên, với những phim như Cô hầu gái hoặc Người bất tử, từng chi tiết, cách thực hiện trang phục phải được đảm bảo tính chính xác cao nhất. Chiếc áo dài mà Liên - vợ Hùng mặc trong Người bất tử, được may thủ công để tạo nên độ tự nhiên trong từng đường nét.

Ông Joji đánh giá cao yếu tố thẩm mỹ của phục trang trong phim Cô ba Sài Gòn. Tuy nhiên, rất khó để có một bộ phim thứ 2 làm được điều tương tự (tạo thành xu hướng ảnh hưởng ngược lại đời sống). Bởi, nó đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều khâu, trong đó vai trò của bộ phận thiết kế sản xuất phải được đề cao hơn nữa. 

Phim Việt đang tích cực tìm kiếm những cái mới lạ để thu hút người xem và thời trang là một trong những nỗ lực đó. Tất nhiên, một bộ phim có phục trang đẹp nhưng trống rỗng về mặt nội dung thì chẳng thể thành công. Song, một bộ phim bỏ rơi yếu tố phục trang trong thời đại phần nhìn lên ngôi, sẽ chẳng đủ sức kéo khán giả tới rạp. “Với nhận thức và sự nỗ lực không ngừng của các nhà làm phim Việt, sớm thôi chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách với điện ảnh thế giới nếu cố gắng từng ngày như thế”, ông Joji khẳng định.