Làm phim thời công nghệ

|

Thị trường giải trí trên mạng internet đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim. Chỉ cần đăng ký mở một kênh của Youtube và chấp nhận những điều khoản pháp lý và thương mại, ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất điện ảnh. \r\n

Trong không gian có vẻ tự do và thoải mái ấy, và với tâm lý “thấy thiên hạ ăn khoai mình vác mai đi đào”, đã làm lĩnh vực phim trực tuyến bùng nổ nhiều màu sắc hỉ nộ ái ố!

Bộ phim Glee phiên bản Việt
Phải nắm bắt thị hiếu người xem 

Phim trực tuyến (web drama) được khởi động ở Việt Nam bởi đạo diễn Nam Cito. Sau khi thực hiện thành công những bộ phim sitcom như “Bộ tứ 10A8” và “Tiệm bánh Hoàng tử bé”, đạo diễn Nam Cito phát hiện những tập phim ngắn sau khi đưa lại trên mạng internet, sức lan tỏa hơn hẳn so với phát trên sóng truyền hình. Vì vậy, đạo diễn Nam Cito đã đầu tư sản xuất bộ phim “Căn hộ 69” để phát hành qua cổng Youtube. Bộ phim dán nhãn 18+, nhưng vẫn khiến dư luận hoảng hốt vì quá nhiều cảnh nóng. Mặt khác, mô hình làm phim để chiếu miễn phí trên mạng còn quá mới mẻ, cũng tạo ra không ít lúng túng cho cơ quan quản lý. Bộ phim dự kiến dài 25 tập, đã phải dở dang vì những rắc rối nằm ngoài tiên liệu.

Phát súng hiệu “Căn hộ 69” thất bại, nhưng lại đánh thức sự quan tâm của công chúng về một mô hình giải trí mới. Tránh vết xe đổ của “Căn hộ 69”, những nhà sản xuất khác thận trọng hơn khi chọn đề tài làm phim trực tuyến. Dễ dàng nhất và an toàn nhất vẫn là những phim hài theo kiểu tấu hài được quay ngoại cảnh.

Cặp vợ chồng diễn viên hài Thu Trang - Tiến Luật với bộ phim nhiều tập “Thập tam muội”, đã gây sốt thị trường giải trí online. Chỉ với những gương mặt diễn viên trẻ như Diệu Nhi, Anh Tú, Hoàng Phi, La Thành… số lượng người xem “Thập tam muội” cứ tăng dần theo mỗi tập. Đến tập cuối cùng, “Thập tam muội” đạt 23 triệu lượt xem, mang lại cho vợ chồng diễn viên hài khoản lợi nhuận không hề nhỏ. 

Dù kênh Youtube được xem là thế lực vô địch toàn cầu trong xu hướng giải trí thời công nghệ, nhưng hợp tác trình chiếu phim trực tuyến với Youtube phải chấp nhận những điều khoản không mấy có lợi cho nhà sản xuất. Vì vậy, những người làm phim trực tuyến có sẵn mối quan hệ truyền thông nào đó, luôn tận dụng để tăng hiệu quả thương mại.

Công ty BHD có dịch vụ xem phim trực tuyến Danet, cũng là lợi thế nhất định để quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực mới mẻ này. Mua bản quyền bộ phim ca nhạc Glee đình đám của Mỹ, BHD đã làm phiên bản Việt cho Glee để phát trên Danet và ký gửi thêm trên FPT Play và Zing TV. Bộ phim dài 22 tập quy tụ những tên tuổi hotgirl và hotboy như Angela Phương Trinh, Rocker Nguyễn, Hòa Minzy, Yaya Trương Nhi cùng sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, đã thực sự thu hút được giới mộ điệu. Tuy nhiên, cách làm kiểu “đại gia” như Glee phiên bản Việt bước đầu vẫn chưa đạt doanh thu như mong muốn, vì chưa nắm bắt được thị hiếu công chúng trẻ. 

Đa phần Người Việt thích xem phim trực tuyến 

Ngược lại, tuy ít vốn và không phải ngôi sao, nhưng nhiều nghệ sĩ trẻ lại biết khai thác ưu điểm riêng để làm phim trực tuyến. Diễn viên Huỳnh Lập liên tục thắng lợi với hai bộ phim ăn theo “Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể” và “Em gái mưa… nhái”. Cách làm của Huỳnh Lập khá đơn giản, người đã xem “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” nghiêm túc, khi xem “Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể” sẽ thấy buồn cười hơn. Hoặc người yêu nhạc đã biết ca khúc “Em gái mưa” của ca sĩ Hương Tràm, thì Huỳnh Lập làm phim minh họa tếu táo. Hàng triệu lượt xem hai bộ phim ngộ nghĩnh trên đã giúp Huỳnh Lập có nguồn tài chính để làm loạt phim trực tuyến đề tài kinh dị “Ai chết giơ tay” dài 8 tập. 

Cũng tập trung vào yếu tố hài hước, nhưng nhiều nghệ sĩ không chọn phương pháp của diễn viên Huỳnh Lập. Diễn viên Nam Thư từng đoạt Á quân Cười xuyên Việt 2015, đã làm loạt phim hài cổ trang “Nam Phi liên hoàn kế”. Còn diễn viên Duy Khánh sau khi dành quán quân Gương mặt thân quen 2018, đã làm phim hài có chút tâm linh, mang tên “Cương thi biến”. 

Không nhạy bén bằng những nghệ sĩ trẻ, các diễn viên đã thành danh đầu tư vào thị trường phim trực tuyến cẩn trọng hơn. Kinh phí phổ biến cho mỗi tập phim trực tuyến khoảng 100 triệu đồng, nhưng những người có sẵn tài lực bỏ ra gấp rưỡi hoặc gấp đôi để chăm chút hình ảnh kỹ lưỡng hơn và trang phục bắt mắt hơn. Những phim “Bơ Lang” của diễn viên Đại Nghĩa, “Chết thì chịu” của danh hài Việt Hương, hoặc “Hãy nói yêu em” của diễn viên Kinh Quốc đã chứng minh đẳng cấp cao hơn một chút, dù doanh thu vẫn là ẩn số. Theo diễn viên Kinh Quốc, dù phim chiếu trên mạng có tỷ lệ ăn chia với Youtube cũng chưa thấm vào đâu so với kinh phí đầu tư, nhưng đây là thị trường rất tiềm năng. Phim trực tuyến chiếu miễn phí, nhưng thu tiền từ các clip quảng cáo chèn vào phim, nên lượt xem càng nhiều, lợi nhuận càng cao. Mặt khác, nếu tìm được nhà tài trợ thu lại vốn lẫn lãi dễ dàng. 

Bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Vietcom đưa ra một thông tin nức lòng những nhà làm phim trực tuyến, đó là tỷ lệ xem video trực tuyến của người Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á. Điều đó không có gì phải hoài nghi vì thói quen của công chúng nước ta đã thay đổi. Nếu xem phim trên truyền hình phải đợi giờ phát sóng, phim trực tuyến có thể xem mọi lúc mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Thực tế trước mắt là phim trực tuyến đang đe dọa sự phát triển của phim truyền hình. Vì vậy, VTV, HTV hoặc Truyền hình Vĩnh Long cũng tranh thủ lấn sân phim trực tuyến.

Dù đang rầm rộ, nhưng ai cũng biết thị trường phim trực tuyến khi đã bước qua giai đoạn sơ khai sẽ cạnh tranh khốc liệt và không có chỗ cho những bộ phim ít đầu tư. Trong tương lai chắc chắn không còn những nhà làm phim trực tuyến nghiệp dư trông cậy vào đồng vốn ít ỏi để hy vọng làm chơi ăn thật.