Đằng sau “Cánh diều”…

|

Cũng như mọi lần, giải Cánh diều 2018 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã kết thúc… trong hy vọng lần tới sẽ khá hơn, sẽ tiệm cận gần hơn cái đích “Oscar Việt Nam” như hy vọng của giới làm nghề.\r\n

Tất nhiên sẽ có những phân tích sâu hơn, toàn diện hơn về các thể loại phim dự thi, nhất là về các phim truyện tranh giải, song có thể đánh giá bước đầu là nền điện ảnh của chúng ta vẫn chưa định hình bản sắc riêng biệt, có vẻ giống một cánh diều chắp vá bằng các mảng miếng ngoại lai, không có sự liền lạc về màu sắc và hình khối, không có sự chắc chắn cần thiết khi phải đương đầu với cơn bão thị trường.

Sự yếu đuối đó xuất phát từ những vấn đề cũ, vấn đề đã xới đi xới lại trong nhiều năm nhưng không được giải quyết rốt ráo. Thứ nhất, từ cả chục năm trước, chúng ta đã bàn chuyện bảo hộ nền điện ảnh nội địa, tạo cơ chế tài chính, thúc đẩy dòng phim nội… song đến giờ các dự thảo vẫn chỉ trên giấy, được đưa qua hết bộ này đến bộ kia…để chờ một giải pháp tổng thể.

Trong cuộc tọa đàm mới nhất, NSND Đào Bá Sơn đã nói đến “cuộc cạnh tranh không cân sức” khi khoảng 40 phim nội phải đấu với 230 phim “bom tấn” ngoại.

Và như lời đạo diễn phim Long Thành cầm giả ca từng đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005 này, chuyện ai thắng ai là điều khỏi bàn cãi nếu biết rằng số tiền đầu tư cho một bộ phim Việt chỉ như con tem dán trên mình con voi phim Hollywood.

Hơn thế nữa, hệ thống phân phối phim, các rạp chiếu đều nằm trong tay đối tác nước ngoài. Rốt cuộc, chúng ta đành ngậm ngùi ngắm dòng tiền sinh lời từ thị trường được định giá 150 - 200 triệu đô la trôi dạt về phía “bên kia bờ ảo vọng”.

Nhưng mất mát hơn cả là mất mát về văn hóa khi con cháu chúng ta rành sử nước ngoài hơn sử ta, rành về đời sống cá nhân của các sao ngoại hơn cả cuộc đời và chiến công của các anh hùng dân tộc.

Người ta đổ lỗi những yếu kém là do cơ chế thị trường “điều tiết” với sự đầu tư từ phía nhà nước ở mức tối thiểu nhất, như chỉ có 2 phim trong 14 phim dự thi năm nay là có “bóng dáng nhà nước” đầu tư, rồi thì “thương hiệu” hơn 60 năm của Hãng phim Truyện Việt Nam được định giá bằng không (trong lộ trình cổ phần hóa còn chưa ngã ngũ), tiếng tăm còn thua cả quán phở Cồ (Nam Định) đang thuê bán trên miếng đất của hãng phim này ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.

Nghe cũng ngậm ngùi, nhưng không thể “ăn mày dĩ vãng” mãi, không thể khoanh tay ngồi chờ một phép lạ như cô Lọ Lem gặp được hoàng tử trong cổ tích.

Mới nhất, nước Nga - trong thảm cảnh chỉ có 1 phim trong 10 phim ăn khách nhất trên thị trường Nga là phim Nga, đã quy định số phim ngoại trình chiếu chỉ được phép chiếm 35% suất chiếu trong ngày, nếu vi phạm sẽ bị phạt tới nửa triệu rub (70 rub ăn 1USD).

Cũng giống Nga, các nước châu Âu khác trước sự bành trướng của Hollywood đã áp dụng các biện pháp bảo hộ điện ảnh nội địa nặng nhẹ khác nhau.

Đáng chú ý hơn nữa là cách vận hành “mềm hóa” điện ảnh ở một đất nước tách ra từ Liên Xô cũ - nước Georgia: khi quay phim trên lãnh thổ nước này, đoàn làm phim sẽ được bồi hoàn 25% tổng chi phí bỏ ra, bất kể là phim truyện, phim truyền hình, phim tài liệu, phim quảng cáo hay truyền hình thực tế.

Còn ở nước Pháp, họ không rót tiền làm phim từ ngân sách nhưng đã kích cầu sản xuất phim nội bằng hình thức “thuế phim” đánh vào các rạp chiếu, kênh truyền hình, các dịch vụ online và tất cả các phim ngoại, bất kể xuất xứ đều bị đánh thuế, tiền thuế thu qua tiền bán vé (giá vé 5 - 13EUR).

Năm 2017, Pháp thu được 267 triệu EUR “thuế phim” và tất cả số tiền này được rót về Quỹ điện ảnh để tài trợ sản xuất phim trong nước. Kết quả là trong tốp 10 phim ăn khách nhất thị trường Pháp có tới 4 phim do Pháp sản xuất với tổng số vé bán được là 20 triệu vé, thu về 100 triệu EUR tiền bán vé.

Cũng cần biết rằng, Bắc Ireland - thuộc Vương quốc Anh - cách đây 10 năm đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất song đến nay đã gượng dậy, phát triển đi lên nhờ tham gia dịch vụ làm phim truyền hình kéo dài đã 8 mùa - bộ phim Trò chơi vương quyền (phần 8 gồm 6 tập sẽ chiếu đồng thời tại Việt Nam vào ngày 16-4) thu tới 206 tỷ bảng Anh, chưa kể tiền thu từ dòng khách du lịch. Đó là nhờ điện ảnh, nhờ cảnh quan còn giữ hoang sơ, không cáp treo, không công nghiệp gây ô nhiễm…

Chúng ta sẽ theo mô hình nào, theo mô hình Pháp hay mô hình nước Ý với hình thức công - tư hỗn hợp (vừa có tài trợ của nhà nước và hình thức đánh thuế sản phẩm)? Lựa chọn có nhiều, và chúng ta đã chọn phương án trích 3% tiền vé xem phim để kích cầu điện ảnh nội địa thông qua quỹ điện ảnh, song “bao giờ cho đến tháng mười” (tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh) thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Phim Chàng vợ của em giành giải Cánh diều vàng 2018