Phim về 30-4: Viết tiếp tự hào lịch sử

|

Từ những bộ phim kinh điển đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả suốt mấy chục năm qua cho đến các phim đang và sẽ được đưa vào sản xuất, dòng phim về ngày chiến thắng 30-4 luôn có sức sống đặc biệt trong dòng chảy điện ảnh Việt.

Đoàn phim Địa đạo trong buổi khai máy vào cuối tháng 2-2024. Ảnh: Facebook Lương Bích Ngọc

Những thước phim kinh điển

Ở tuổi ngoài 70, NSƯT Thùy Liên, người thủ vai nữ chính Sáu Linh trong Mùa gió chướng (đạo diễn Hồng Sến, 1978) vẫn nhớ nguyên vẹn kỷ niệm khi đóng phim này. “Đóng phim này tôi mới thấy sự cực khổ của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh, dù phim chỉ lột tả được một phần khốc liệt của cuộc chiến. Phim quay ở Đồng Tháp Mười vào đúng mùa nước nổi, gió chướng, sinh hoạt thiếu thốn nhưng ai cũng hăng say, nhiệt tình”, NSƯT Thùy Liên kể.

Mùa gió chướng chỉ là một trong số những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng về giải phóng miền Nam. Ngoài ra, không thể không nhắc đến: Nổi gió (đạo diễn Huy Thành, 1966), Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến, 1979), Ván bài lật ngửa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa, 1982-1987), Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2009), Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười, 2011)…

Trên kênh YouTube Phim hay điện ảnh, series Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân) có những tập thu hút 7-8 triệu lượt xem. Biệt động Sài Gòn, ban đầu có tên Thiên thần ra trận gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông Trả lại tên cho em được bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng 4 năm. Cho đến nay, đây gần như là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những cuộc chiến nổi bật của lực lượng đặc công Quân Giải phóng miền Nam (hay Biệt động Sài Gòn) gắn với những chiến công lớn mà tiêu biểu nhất là các trận đánh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Năm 1986 khi được công chiếu lần đầu, phim đã gây sốt trên các cụm rạp toàn quốc.

Trong số những thước phim về 30-4, Giải phóng Sài Gòn (đạo diễn Long Vân), công chiếu lần đầu dịp 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2005) khá đặc biệt. Phim tái hiện lại một số sự kiện lịch sử chính trong quá trình quân giải phóng tiến về Sài Gòn, bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột cho đến khi toàn thắng về ta. Thời điểm đó, phim được đầu tư kinh phí lên đến 12,5 tỷ đồng và được sản xuất trong thời gian dài kỷ lục: 13 năm, được đánh giá là những thước phim hào hùng, bi tráng về chiến thắng lớn của dân tộc.

Những thước phim tiếp nối

Trong kế hoạch thực hiện các bộ phim nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), bộ phim Địa đạo (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) được khởi động sớm hơn cả. Kịch bản phim được chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết từ năm 2014. Qua nhiều lần chỉnh sửa, phim bấm máy vào cuối tháng 2-2024. “Tôi cảm nhận được khát khao cháy bỏng của tất cả chúng ta ở đây khi cùng nhau làm bộ phim này, phải làm sao cho xứng đáng để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc, cũng như để cho các thế hệ mai sau có thể hiểu rõ hơn vì sao ngày 30-4-1975 thực sự là ngày phước lành cho tất cả chúng ta”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ tại buổi khai máy của phim.

Bối cảnh chính của Địa đạo xoay quanh cuộc chiến của quân dân ta chống lại cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” Bến Súc - Củ Chi - Bến Cát (trận càn Cedar Falls). Phim có sự tham gia của dàn diễn viên: Thái Hòa, Quang Tuấn, Diễm Hằng Lamoon, Anh Tú Wilson, Hồ Thu Anh... dự kiến ra mắt dịp 30-4-2025. Một yếu tố đặc biệt là kinh phí thực hiện phim hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, ước tính hàng chục tỷ đồng.

Song song với Địa đạo, hai dự án điện ảnh khác cũng đang trong quá trình sẵn sàng bấm máy để kịp ra mắt vào dịp 30-4 năm sau. Đó là bộ phim Ký ức điệu Nam Xuân (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) do Công ty CP phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất. Phim đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để bấm máy vào cuối tháng 6 tới đây. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng, bên cạnh việc khắc họa sự khốc liệt của chiến dịch Tết Mậu Thân, phim còn khéo léo phản ánh sức sống nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong bối cảnh chiến tranh thông qua cuộc đời các nhân vật.

Hội Điện ảnh TPHCM cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để bấm máy dự án Làng biển. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho biết, phim sẽ lấy bối cảnh Cần Giờ 5 năm trước ngày giải phóng, kéo dài đến thời điểm năm 2018 - kỷ niệm 40 năm huyện sáp nhập về TPHCM, với những biến đổi từ trước đến sau ngày giải phóng, những mâu thuẫn cũ mới, những bước phát triển để biến từ một vùng đất xác xơ sau bom đạn trở nên xanh tươi, phát triển.