Báo động tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi

|

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện nay trên cả nước, tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự ATGT rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT); tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, hàng ba, chở quá số người quy định,...

Tai nạn ở học sinh tăng đột biến

Thời gian qua, TNGT trong đối tượng học sinh phổ thông ở nhiều nơi gia tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều bậc phụ huynh để con đi học bằng xe máy, xe đạp điện khi không có bằng lái và chưa đủ tuổi. Khoảng 17 giờ ngày 5-5, tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do bốn nữ sinh chở nhau trên một xe máy đâm vào cột mốc bên phải đường. Hậu quả của vụ tai nạn làm hai nữ sinh chết và hai nữ sinh bị thương nặng. Các nạn nhân này đều là học sinh lớp 8 của một trường trung học cơ sở trên địa bàn.

Theo quan sát tại nhiều trường phổ thông ở các thành phố, thị xã, phần lớn các em tan học sẽ được bố mẹ đón, đi xe đạp hoặc đi bộ về nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số học sinh đi xe máy đến trường, gửi xe tại các điểm trông xe tự phát do người dân lập nên. Trong số các em, hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây TNGT. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao. Ðại diện ban giám hiệu nhiều trường đều khẳng định, đã làm việc với công an phường đề nghị phối hợp chặt chẽ tuần tra, chốt một số điểm gần trường để xử lý, nhắc nhở các học sinh vi phạm. Những học sinh này sẽ bị hạ hạnh kiểm, nhắc nhở trước toàn trường. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, trường chỉ có thể xử lý học sinh khi có báo cáo của lực lượng chức năng, bởi không thể can thiệp khi các em đã ra ngoài đường. Thậm chí, các bãi xe tự phát ngay sát nách cổng trường cũng rất khó xử lý, dù các trường đã nhiều lần kiến nghị.

Cần xử lý đồng bộ từ nhiều phía

Có thể thấy, nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không sợ bị "đánh" vào hạnh kiểm, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,... Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về ATGT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp. Qua các vụ TNGT ở đối tượng học sinh, nguyên nhân trực tiếp do học sinh vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, do các gia đình thiếu trách nhiệm trong việc quản lý
con em mình khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD - ÐT) chỉ đạo các sở GD - ÐT yêu cầu các trường phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không chở quá số người quy định; không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái. Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Nếu phát hiện học sinh vi phạm, hiệu trưởng các trường cần kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe máy không có bằng lái, chưa đủ tuổi. Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT các địa phương cần chỉ đạo các trường học tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các trường. Ban giám hiệu các trường cần định kỳ kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các trường để xảy ra TNGT liên quan học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân
vi phạm.

Các lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về ATGT đối với học sinh.