Đẩy nhanh quy trình đầu tư cho dự án PPP thể thao

|

Thời gian trung bình để thực hiện quy trình thủ tục một dự án đầu tư công là khoảng 2 năm. Với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, hiện Sở KH-ĐT TPHCM đang tham mưu việc rút ngắn thời gian, đẩy nhanh quy trình thực hiện các dự án.

Nhà đầu tư quan tâm, nhưng vẫn khó

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, tại hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án thể thao - văn hóa tổ chức tháng 10 vừa qua, có 300 doanh nghiệp cùng tham dự. Trong đó, 19 doanh nghiệp chính thức đặt vấn đề, có thỏa thuận hợp tác để tìm hiểu sâu, nghiên cứu cụ thể về các dự án để tiến tới tham gia chính thức. Các nhà đầu tư cũng đã đi nghiên cứu thực địa dự án.

Như vậy, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến lĩnh vực văn hóa - thể thao là rất lớn. Song từ thực tiễn thu hút đầu tư PPP của TPHCM trong những năm qua, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố, đặt vấn đề, thời gian qua TPHCM đưa ra danh mục các dự án thu hút đầu tư PPP, nhưng gần như hiếm có dự án nào được triển khai trong thực tế. Do đó, lần này TPHCM cần có cách làm khác biệt để có thể thu hút thành công nhà đầu tư.

Ông Trần Thế Thuận cho biết, lần này TPHCM không chỉ lập danh mục dự án, mà từng dự án đều có đánh giá cụ thể về lợi thế, ưu thế và chính sách ưu đãi. Trong đó, có 5 dự án ưu tiên có quỹ đất sạch đã được ngành thể thao lên phương án thiết kế, đầu tư, hiệu quả thu hồi vốn…

Khi TPHCM đề xuất cơ chế chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 98/2023/QH15), ngành văn hóa - thể thao đã tích cực đề xuất và được phép thí điểm trong triển khai các dự án ở lĩnh vực này. Tiếp đó, khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, HĐND TPHCM đã thông qua danh mục 21 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Theo Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, một việc hết sức quan trọng là cần rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án PPP văn hóa - thể thao. Chẳng hạn, thời gian chuẩn bị cho một dự án đầu tư công trung bình khoảng 2 năm, với các dự án văn hóa - thể thao thì có thể rút ngắn được hay không?

Ông Trần Thế Thuận cho biết, Sở KH-ĐT TPHCM đang tham mưu rút ngắn thời gian đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cũng đang tham mưu chính sách vay vốn, kích cầu đầu tư để có gói vay vốn ưu đãi nhất cho dự án thể thao, văn hóa.

Các dự án... tiếp tục chờ

Mới đây, tại kỳ họp HĐND TPHCM thường kỳ cuối năm, đại biểu Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã chất vấn Giám đốc Sở VH-TT TPHCM về tiến độ 2 dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng và Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc.

Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TPHCM) đang gặp khó khăn về tiến độ triển khai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, hai dự án có quy mô lớn, triển khai đã lâu nhưng chưa hoàn thành, trong khi nhiều giải đấu lớn của khu vực, của châu Á không thể tổ chức được trên địa bàn TPHCM, người dân cũng không được thụ hưởng các công trình này…

Sở VH-TT TPHCM nhận định, thể thao thành phố những năm qua vẫn chưa đạt được những thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế. Nguyên nhân chính là cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị tập luyện đúng chuẩn phục vụ chuyên môn chưa theo kịp tốc độ phát triển của TPHCM cũng như nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của quần chúng.

Ông Trần Thế Thuận cho biết, dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc được UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch năm 2000, với diện tích 410ha. Trải qua hơn 20 năm, dự án chưa thực hiện, trong khi UBND TPHCM đã ban hành nhiều quyết định điều chỉnh diện tích quy hoạch khu Rạch Chiếc. Do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí rất lớn, đến nay dự án rất khó triển khai tiếp tục.

Vừa qua, TP Thủ Đức có đề xuất giảm gần một nửa diện tích quy hoạch khu Rạch Chiếc để huy động quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên qua khảo sát, các ngành chức năng đề xuất được bảo tồn quỹ đất hiện nay đang dành cho ngành thể thao, trong đó có khu Rạch Chiếc 186ha.

Hiện quỹ đất TPHCM dành cho hoạt động văn hóa - thể thao chiếm khoảng 1,35% tổng quỹ đất, là tỷ lệ thấp so với tổng thể chung cả nước. Trong 21 dự án được HĐND TPHCM phê duyệt để kêu gọi đầu tư, có 16 dự án thành phần nằm trong khu Rạch Chiếc (gồm dự án sân bóng đá 50.000 chỗ ngồi).

Theo lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM, đây là sự tái khởi động của ngành với khu Rạch Chiếc - vốn bị gián đoạn một thời gian dài do quy hoạch, quy định của pháp luật thay đổi. “Chúng tôi đang xúc tiến tích cực để quy hoạch và đầu tư của khu Rạch Chiếc được thực hiện trong thời gian tới, nhưng cũng phải có một thời gian tới mới có nhà đầu tư”, ông Trần Thế Thuận nói.

Trong khi đó, dự án Xây dựng mới Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thí điểm đầu tư công theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2008.

Từ đó tới nay, qua một số lần thay đổi nhà đầu tư, thay đổi thiết kế, dự án vẫn chưa thể triển khai. Đến ngày 26-4-2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng dự án BT, chuyển sang đầu tư công, bởi nếu tiếp tục làm theo hình thức BT sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế, tài chính, pháp lý.

Hiện nay tổ công tác gồm các sở: KH-ĐT, Tài chính, VH-TT đang rà soát, đề xuất UBND TPHCM phương thức đầu tư hợp lý nhất. Lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM cho biết, các thủ tục hiện khá thuận lợi, dự kiến TPHCM có thể công bố dự án này trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.