Lên án vẫn làm ăn cùng

|

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Qatar tài trợ khủng bố ở mức độ quan chức cấp rất cao nhưng ông đồng thời ủy quyền cho quốc gia này mua vũ khí của Mỹ.

Máy bay chiến đấu F-15. Ảnh: Wikipedia
Thỏa thuận đã được ký kết vào ngày 14-6 tại Washington D.C. giữa Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid Al-Attiyah và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Truyền hình CBS News của Mỹ dẫn lời ông Khalid Al-Attiyah nói: “Chúng tôi vui mừng thông báo ngày hôm nay về việc ký kết thư chấp thuận mua 36 máy bay chiến đấu F-15QA của Mỹ, với chi phí ban đầu là 12 tỷ USD”. Thỏa thuận này được cho là tạo ra 60.000 việc làm mới tại 42 bang của Mỹ. Vì vậy, có thể thấy rằng, nó phù hợp với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc mang việc làm về cho nước Mỹ. Để giải thích về thỏa thuận mới ký, Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả đây là bước đi nhằm tăng cường kiến trúc an ninh và quốc phòng của khu vực Trung Đông, không trực tiếp mâu thuẫn với việc Mỹ và hàng loạt nước đồng minh Trung Đông đang gây áp lực yêu cầu Qatar ngừng tài trợ khủng bố. 
Thỏa thuận nói trên nằm trong một thỏa thuận lớn hơn, theo đó Mỹ bán 72 chiếc F-15 trị giá trên 21 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ khóa trước thông qua vào tháng 11-2016. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích thêm rằng thỏa thuận mua bán máy bay với Qatar phải mất nhiều năm để hoàn thành và Mỹ tin rằng Qatar có thể giải quyết các vấn đề hiện nay trước khi Mỹ giao hàng. Tuy nhiên, đó là giải thích của Bộ Ngoại giao Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều đạo luật cũng đã được Quốc hội khóa trước thông qua nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn vận động Quốc hội bãi bỏ như đạo luật bảo hiểm Obamacare hay việc tham gia ký kết Hiệp định Paris cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hơn nữa, khi căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì các hợp đồng, nhất là về vũ khí, dù đã ký cũng rất dễ hoãn hay hủy. Gần đây nhất là trường hợp căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine khiến Pháp vào tháng 9-2014 tuyên bố hủy hợp đồng giao 2 tàu chiến đổ bộ Mistral cho Nga và trả tiền lại cho Nga sau đó. 
Trước tình hình căng thẳng leo thang, Qatar cũng đã cử một đoàn quan chức ngoại giao và tài chính ngân hàng hùng hậu đi cùng các quan chức quốc phòng đến Mỹ trong dịp ký thỏa thuận mua vũ khí này. Với một đoàn tùy tùng lớn, Qatar mong muốn phá vỡ áp lực của khu vực dồn vào Qatar xung quanh cáo buộc tài trợ khủng bố. Qatar tỏ ra tự tin trong quan hệ với Mỹ. Đại sứ Qatar tại Mỹ Meshal bin Jamad Al Thani cho rằng sau sự kiện khủng bố 11-9, không nước nào dám tiếp nhận quân Mỹ đồn trú, thậm chí Saudi Arabia còn yêu cầu Mỹ rút quân nhưng Qatar đã tiếp nhận và bảo vệ họ. Ông Al Thani còn cho rằng không có công dân Qatar nào tham gia tấn công khủng bố nước Mỹ 11-9-2001, ám chỉ công dân Saudi Arabia tham gia. Hiện có hơn 10.000 quân Mỹ thuộc trung tâm chỉ huy vùng Vịnh đóng ở Qatar. Phía Mỹ cho biết Mỹ không có kế hoạch rút quân khỏi Qatar theo lời khuyên của các nước vùng Vịnh.
Người phát ngôn Tư lệnh không quân Mỹ, thiếu tướng Damien Pickart, tuyên bố rằng Mỹ khuyến khích mọi đối tác trong khu vực cùng làm việc với Mỹ vì an ninh khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố họ biết ơn Qatar vì đã cho Mỹ đóng quân lâu dài. Không giống như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump lên án Qatar tài trợ khủng bố, Ngoại trưởng Tillerson thể hiện quan điểm mềm mỏng và trung lập.