Cuộc chiến bắt đầu

|

Mối quan hệ đối đầu Nga với phương Tây đã bị đẩy lên nấc căng thẳng cực điểm khi hiện ít nhất 24 nước đã tuyên bố trục xuất trên 130 nhà ngoại giao Nga.\r\n

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. Ảnh: Reuters
Trong đó riêng Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao, kể cả những người làm việc tại Phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên hiệp quốc, liên quan vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh. Riêng tại châu Âu, ngoài Anh, có 16/28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 4 nước ngoài khối là Albania, Ukraine, Na Uy, Macedonia tuyên bố tham gia vụ trục xuất nhà ngoại giao ồ ạt này. Những quyết định đã được đưa ra nhưng hậu quả của nó thì khó đoán định và thực tế chưa biết chiều hướng vụ việc sẽ đi đến đâu sau các động thái đáp trả lẫn nhau.

Đây được coi là cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh lạnh. Chính phủ Nga đã chỉ trích việc Anh lôi kéo các nước EU, thuyết phục các đồng minh có những bước đi mù quáng và mang tính đối đầu với Mátxcơva, bởi trên thực tế London không đưa ra bằng chứng rõ ràng và xác thực nào cho thấy Mátxcơva có liên quan tới vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: Mỹ và các nước EU đã công bố “tình trạng chiến tranh mới” khi thể hiện "sự hiếu chiến và đối đầu" nhằm vào Nga đúng vào thời điểm toàn thể nhân dân Nga đang trải qua ngày đau thương của thảm kịch hỏa hoạn ở Kemerovo. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sự “đoàn kết bất ngờ” của EU và Mỹ với Anh được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 6 năm nữa, thực chất chỉ là đỉnh điểm của những bất đồng đã tích tụ từ lâu giữa Nga và phương Tây suốt 1 thập niên qua. Theo giáo sư Thornike Gordadze thuộc Đại học Sciences Po, chuyên gia khu vực và là cố vấn tại Viện Nghiên cứu cao cấp quốc phòng (IHEDN) của Pháp, sau sự hồi sinh của nước Nga kể từ khi ông Putin lên nắm quyền đã khiến mối quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi.
Đối với Mỹ và đồng minh, từ Đông sang Tây, Mátxcơva đang gia tăng các hoạt động được xem là gây tổn hại tới các lợi ích của phương Tây, với mục đích khôi phục “quyền lực” của Nga và làm suy yếu các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của phương Tây. Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ Richard N. Haass nhận định, căng thẳng gia tăng giữa Anh và Nga là một bằng chứng nữa cho thấy Nga và phương Tây đã bước vào cuộc “Chiến tranh lạnh” lần thứ 2.
Thậm chí, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Chính trị thế giới tại Trường Cao học Kinh tế ở Mátxcơva, ông Sergei Karaganov, cho rằng mối quan hệ Nga - phương Tây hiện nay thực sự còn tồi tệ hơn cả thời Chiến tranh lạnh, song điều đó không có nghĩa là những căng thẳng này sẽ dẫn tới một kết cục bi thảm. Dù tham gia vụ trừng phạt “hội đồng” nhằm vào Mátxcơva, song lợi ích kinh tế sẽ buộc các nước EU phải cân nhắc về dài hạn, đặc biệt khi châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Đức từng tuyên bố “Dòng chảy phương Bắc - 2”, dự án vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, không liên quan gì đến vụ “Skripal-gate”. Áo, đất nước rất quan tâm đến khí đốt Nga thì nói thẳng: “Áo sẽ không thi hành biện pháp nào, sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao" vì cả Anh lẫn Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đều không chứng minh được mối liên hệ giữa Nga với vụ đầu độc.