COP27: Cần chuyển từ lời nói sang hành động

|

Hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) sẽ diễn ra tại TP Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6 đến 18-11 với sự tham dự của hơn 35.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hội nghị COP27 thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Thêm cảnh báo

COP27 hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế toàn cầu và giúp đỡ các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch được chỉ định của COP27, cảnh báo rằng, mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang trở nên mong manh hơn. Theo ông Shoukry, các nước giàu đang đánh mất lòng tin đối với thế giới khi đang tụt hậu trong các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cung cấp tài chính khí hậu cho các nước nghèo. Nhà ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, nếu các quốc gia lùi bước hoặc đi chệch hướng so với những cam kết đã đạt được tại Paris (Pháp) và Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức trên 2°C và có thể lên đến 3,6°C (theo những dự báo khoa học gần đây).

Ông Shoukry kêu gọi các bên tham gia hội nghị cần phải thực hiện “các bước thiết thực và có ý nghĩa”, hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C từ nay đến năm 2100. Đây là nhu cầu chủ chốt của các nước nghèo vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, ông Simon Stiell, cho rằng: “Nếu như COP21 tại Paris đã đặt ra giới hạn cần khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, COP26 tại Scotland đã hoàn thiện bộ quy tắc cho việc thực thi mục tiêu này thì COP27 tại Sharm El-Sheikh cần hoàn thành công việc của mình là chuyển từ lời nói sang hành động”.

Công lý khí hậu

Báo chí quốc tế dành sự quan tâm lớn cho sự kiện COP27 trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Tờ La Croix của Pháp nhận định “công lý khí hậu” sẽ là trọng tâm của COP27. Hầu hết các nước dễ bị ảnh hưởng nhất từ hiện tượng khí hậu cực đoan là những nước đang phát triển, có thu nhập thấp. Năm 2009, các nước phát triển đã hứa cung cấp 100 tỷ USD/năm dưới nhiều hình thức cho các nước đang phát triển để giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và triển khai các biện pháp thích ứng với các mối nguy. Trên thực tế, số tiền này rất nhỏ so với hàng trăm tỷ USD mỗi năm cần cho quá trình chuyển đổi. La Croix khẳng định, các nước phát triển đã không giữ lời hứa. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2020, số tiền tài trợ chỉ đạt khoảng 83 tỷ USD, tính cả tài trợ từ giới tư nhân và của chính phủ các nước. 

Trước sự thất hứa của nhiều nước phát triển, các nước đang phát triển hiện giờ kiên quyết đòi thành lập một cơ chế bổ sung để tài trợ cho tổn thất và thiệt hại không thể tránh khỏi dù mức giảm phát thải và các biện pháp thích ứng được triển khai. Nhiều ý kiến kêu gọi cần có “công lý khí hậu” để phục hồi niềm tin giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Để đảm bảo an ninh cho hội nghị, Trung tâm Hội nghị quốc tế Sharm El-Sheikh đã được thiết lập thành Vùng Xanh, nơi được coi là “lãnh thổ của LHQ”. Chỉ những người được các cơ quan của LHQ cho phép mới được tiếp cận khu vực này. Chính phủ Ai Cập cũng thiết lập một Khu vực Xanh bên trong Công viên Bách thảo Hòa Bình, nơi sẽ diễn ra các sự kiện bên lề của các doanh nghiệp, thanh niên, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng bản địa, giới học thuật và nghệ sĩ.