TPHCM khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

|

Chiều 25-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giai đoạn 2018-2023, TPHCM đã thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, thực hiện đúng các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19).

Giai đoạn đầu, TPHCM đã đạt được một số kết quả nhất định, đảm bảo tiến độ đề ra. Nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ được sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền.

Tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp được sắp xếp đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo. Hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập cũng được nâng lên, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương và của thành phố.

Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực; hiệu quả hoạt động của các đơn vị nâng lên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc như: còn lúng túng khi xác định, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số nhiệm vụ hoàn thành còn chậm so với kế hoạch đề ra; tiến độ thực hiện đề án sắp xếp tổ chức và tiến độ tự chủ của một số đơn vị chưa kịp thời…

Thành viên đoàn giám sát thảo luận tại buổi làm việc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thời gian tới, TPHCM tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả các phòng, ban, đơn vị thuộc đơn vị sự nghiệp công lập. TPHCM khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời đánh giá thực tiễn và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các mô hình thí điểm hợp nhất cơ quan để thống nhất thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế…

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM có chủ trương xuyên suốt là đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực thu hút doanh nghiệp có thể tham gia và tăng nguồn thu. Khi thực hiện các nội dung này, thành phố rất năng động, sáng tạo với nhiều phương pháp, cách thức thực hiện như liên doanh liên kết, thuê lãnh đạo quản lý, cử viên chức cơ sở công sang làm việc ở cơ sở tư…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí nhìn nhận, việc triển khai chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như quy định về quản lý, sử dụng tài sản chưa rõ ràng. Theo đồng chí, số lượng đơn vị sự nghiệp của thành phố khá lớn, nhưng chưa được phân cấp cho các cơ quan cấp dưới thực hiện phê duyệt đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, làm kéo dài thời gian phê duyệt đề án.

Do đó, trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết, dẫn đến giảm nguồn thu và tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương để đảm bảo hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập và phục vụ nhu cầu của người dân, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu giảm 10% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục, y tế khi dân số thành phố trung bình cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người.

Kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của TPHCM trong thực hiện đổi mới. TPHCM có nhiều điểm sáng trong thực hiện yêu cầu nhiệm vụ đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kết luận buổi giám sát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bên cạnh đó, cũng có nhiều giải pháp tích cực trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt là việc ban hành quy định về đánh giá, phân loại hàng quý hiệu quả công việc của viên chức đảm bảo công khai, minh bạch gắn với kết quả sự hài lòng của người dân và thu nhập của viên chức…

Thời gian tới, đồng chí Hoàng Thanh Tùng đề nghị UBND TPHCM quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trung tâm phát triển quỹ đất, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần… Đồng thời, đánh giá thêm về việc kiểm định, đánh giá chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình với UBND TPHCM về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công và tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan: Cần thay đổi về mặt tư duy đối với sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập