Trao truyền và gửi gắm niềm tin

|

Đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn tất việc sắp xếp các khu phố, ấp trên địa bàn theo Nghị quyết 11 của HĐND TPHCM. Nhìn khu phố, ấp bắt đầu những bước vận hành theo sắp xếp mới, những người từng gắn bó ở cơ sở nhiều năm cũng an tâm lui về phía sau ủng hộ.

Tự hào len qua ánh mắt

Thấy chúng tôi hỏi nhà bà Lê Thị Tho, trước đây là Tổ trưởng tổ dân phố 91, khu phố 7 (nay là khu phố 11), phường Đa Kao, quận 1, một phụ nữ đi chợ về ngang qua nhiệt tình dắt chúng tôi đến tận cửa nhà bà Tho rồi gọi với vào báo có khách. Chiếc bàn tiếp khách đặt ngay phía cửa, thấy bà Tho, người lớn, trẻ nhỏ trong khu phố đi qua đều lễ phép chào hỏi.

“Tôi làm ở tổ dân phố hơn 30 năm, bao nhiêu lứa người dân nơi đây lớn lên, trưởng thành đều biết nên họ dành cho tôi nhiều tình cảm”, bà Tho tâm sự.

Bà Lê Thị Tho (bìa phải) nhận giấy khen tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 của khu phố 7, phường Đa Kao, quận 1. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Bà Tho tham gia công tác xã hội ở khu dân cư khi vừa nghỉ hưu, là một trong những người đi đầu xây dựng lực lượng ở cơ sở, từ năm 1993. Những năm tháng gắn bó ở tổ dân phố đã đem lại cho bà rất nhiều trải nghiệm.

Trước đây, trên địa bàn có tình trạng người dân lén tổ chức đá gà, tiềm ẩn nhiều mối lo về tệ nạn xã hội. Bà Tho lân la vận động một số người trở thành lực lượng nòng cốt của tổ dân phố, vừa khuyên những người đá gà giải tán, vừa báo tin các vụ đá gà cho bà. Từ thông tin trên, bà Tho và công an khu vực đã ngăn chặn nhiều vụ đá gà, khuyên họ không tham gia các trò cá cược. Nhờ sự đeo bám, nhiệt tình khuyên giải, nhóm đá gà đã giải tán và tu chí làm ăn.

Nói về các thành tích trong những năm qua, bà Tho không nhớ mình được tuyên dương bao nhiêu lần, chỉ nhớ năm nào cũng được khen, có năm được khen ra tận Trung ương. Mỗi lần được tuyên dương, bà lại thấy mình phải có trách nhiệm hơn với bà con trong tổ dân phố.

Ở tổ dân phố 13, khu phố 2 (nay là ô khu vực 7) phường Tân Kiểng, quận 7 cũng có “người vác tù và” nhiệt huyết. Đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt. Trước đây, bà Nguyệt là giáo viên mầm non, sinh con xong thì nghỉ ở nhà. Là người hướng ngoại, bà tham gia các hoạt động ở địa phương, rồi làm cán bộ cơ sở, khi đó bà mới ngoài 20 tuổi.

Gần 38 năm gắn bó ở tổ dân phố, bà Nguyệt đúc kết: làm tổ trưởng tổ dân phố là gánh vác đủ thứ chuyện, từ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân; đưa tiếng nói người dân đến lãnh đạo địa phương; là sâu sát trong các kế hoạch để người dân trong tổ không còn hộ nghèo và không biết bao nhiêu việc chung, riêng khác…

“Trăm dâu đổ đầu tổ trưởng tổ dân phố” là vậy, nhưng nhắc đến tổ dân phố của mình, trong ánh mắt, giọng nói của bà Nguyệt luôn là sự tự hào về một khu dân cư không còn hộ nghèo, là những gia đình sống thuận hòa, tình nghĩa.

Mãi là người của tổ dân phố

30 năm tham gia công tác ở cơ sở thì có tới 20 năm bà Lê Thị Tho vừa phải gánh vác chuyện gia đình, vừa hoàn thành vai trò của tổ trưởng tổ dân phố. Bà Tho kể, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, bà phải chăm ba chồng và chồng bệnh, nằm một chỗ. Chăm cùng lúc 2 người bệnh với nhiều người là đã kiệt sức, nhưng bà Tho cho rằng hoạt động xã hội là thời gian giúp bà xốc lại tinh thần.

“Nếu cả ngày chỉ rầu rĩ cùng người bệnh thì có lẽ tôi cũng khó trụ được. Dù cuộc sống có xám xịt cỡ nào, tôi cũng ráng nhìn ra một chút màu hồng để mình cố gắng, và hoạt động ở cơ sở là màu hồng trong cuộc sống của tôi khi đó”, bà Tho chia sẻ.

Khi được hỏi sao bà lạc quan như vậy, bà Tho nói là bản thân học và làm theo Bác Hồ - Người đã dành cả cuộc đời của mình vì độc lập tự do cho đất nước thì bản thân mình cố gắng một chút vì bà con xóm giềng có gì mà than khó, than khổ. Có lúc thấy mệt quá, bà lại nhớ tới những câu thơ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, quyết tâm vực bản thân dậy, cố gắng từng chút một để mọi việc êm xuôi.

Bản thân bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng vậy, ngoài vun vén cho tổ ấm, bà coi các hoạt động ở tổ dân phố là niềm vui, là chất liệu để cuộc sống thêm nhiều màu sắc. “Khi người ta tìm thấy niềm vui ở công việc nào thì đó không là gánh nặng mà là động lực”, bà Nguyệt bày tỏ. Chính vì vậy, hiện nhóm Zalo “Gia đình tổ dân phố 13” của bà Nguyệt vẫn duy trì để các hộ dân trong tổ có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau khi cần.

Giờ đây, thành phố sắp xếp lại để khu phố hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn, bà Tho, bà Nguyệt hay hàng ngàn trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố không tiếp tục công tác ở cơ sở, vui vẻ lui về phía sau để những thế hệ tiếp nối tham gia điều hành ở khu phố.

“Không phải chúng tôi không tham gia là rút hẳn, tôi còn tham gia ở chi hội khuyến học và sẵn sàng hỗ trợ khi khu phố cần. Chức danh tổ trưởng tổ dân phố không còn nhưng chúng tôi vẫn mãi là người của tổ dân phố”, bà Nguyệt nói.

Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm mình qua 30 năm công tác ở tổ dân phố, bà Tho nói, đó là phải thật gần dân. Hiện nay công nghệ đã hỗ trợ cán bộ khu phố rất nhiều, là cánh tay nối dài của khu phố nhưng nó không thể thay thế con người. Chuyển đổi số từ khu phố là tất yếu, song cán bộ khu phố vẫn phải gần gũi, thường xuyên qua lại, tiếp xúc với người dân. Đó còn là tinh thần làm nhiều, nói ít; là sự xông pha, đi đầu trong mọi việc của người cán bộ khu phố. Có như vậy người dân mới tin, mới nghe và đồng thuận với các hoạt động ở khu phố.