Quốc hội sẽ thảo luận riêng về quy hoạch không gian biển

|

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; kỳ họp khai mạc vào ngày 20-5 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27-6, làm việc thứ 7 ngày 25-5 và thứ 7 ngày 8-6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi sáng 15-5, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Với tổng thời gian làm việc dự kiến là 26 ngày, kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 17 ngày (từ 20-5 đến 8-6); đợt 2 là 9 ngày, từ 17-6 đến 27-6.

Về công tác lập pháp, ông Bùi Văn Cường báo cáo, có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2024); ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua dự án luật này sang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trong dự kiến chương trình kỳ họp vẫn thể hiện quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này; trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì UBTVQH sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua đối với dự án luật này theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cũng liên quan đến tiền lương, có ý kiến cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương bắt đầu triển khai từ ngày 1-7-2024, nhưng đến nay chưa có đề án và chưa bố trí trong chương trình kỳ họp là chậm; trường hợp trình Quốc hội tại kỳ họp này sẽ không đủ thời gian để các ủy ban tiến hành thẩm tra.

“Tuy nhiên, hiện UBTVQH và Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị quyết của UBTVQH về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, các ngành tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”, ông Bùi Văn Cường thông tin.

Về hoạt động chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cho giữ tổng thời gian hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày như thông lệ và bố trí tiến hành tại đợt 1 để có thời gian chuẩn bị dự thảo nghị quyết về hoạt động chất vấn bảo đảm chất lượng, trình Quốc hội thông qua tại cuối đợt 2 của kỳ họp; giữ thủ tục trình bày tờ trình, báo cáo để bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Về đề nghị của Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm gửi hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội - văn bản số 297/TTg-QHĐP ngày 10-5-2024, (dự kiến gửi hồ sơ vào cuối tháng 5-2024; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, UBTVQH cho ý kiến trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 7), Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội, tài liệu nội dung này phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Do đó, đề nghị trước mắt chưa bố trí 2 nội dung nêu trên trong dự kiến chương trình kỳ họp. Căn cứ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, gửi cơ quan của Quốc hội thẩm tra, UBTVQH xem xét, cho ý kiến; trường hợp hồ sơ bảo đảm đủ điều kiện theo quy định thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTVQH cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị. Riêng về chương trình kỳ họp, đề nghị Ban Thư ký, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, sắp xếp hợp lý giữa 2 đợt. Trong thời gian giữa 2 đợt, UBTVQH cũng sẽ họp để xem xét các nội dung quan trọng.

Ghi nhận việc chuẩn bị cho kỳ họp lần này đã có sự tiến bộ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện nay, các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã được UBTVQH xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội. Còn 3 nội dung sẽ được UBTVQH cho ý kiến vào phiên họp chiều nay, 15-5.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Xã hội và Bộ LĐTB-XH cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên tinh thần khẩn trương, tích cực, những gì còn vướng mắc thì phải giải quyết thấu tình, đạt lý; phấn đấu quyết tâm, quyết liệt thông qua tại kỳ họp.

Đối với nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình tại kỳ họp này như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nên việc xem xét quy hoạch, đồ án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô cũng hết sức cấp bách, quan trọng, là một trong những công việc để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số nội dung như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cùng với đó, bổ sung hồ sơ về các nội dung: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự thảo Nghị quyết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng.