Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

|

Sáng 25-9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trao tặng cờ và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum. Ảnh: PT

Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917. Năm 1930, thực dân Pháp bắt đầu đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại đây với âm mưu là vừa cách ly tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời bắt lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần, giết mòn người tù.

Tháng 6-1930, đồng chí Ngô Đức Đệ, một đảng viên bị bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là người tù chính trị đầu tiên được đưa từ nhà lao Vinh (Nghệ An) lên giam giữ tại đây. Từ tháng 12-1930 đến tháng 3-1931, số lượng tù chính trị đưa lên giam cầm tại Nhà ngục Kon Tum lên đến gần 300 người.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: PT

Tại đây, đồng chí Ngô Đức Đệ đã phát huy tinh thần cách mạng, sáng tạo, vượt qua sự giám sát nghiêm ngặt của kẻ địch, tìm cách tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, cảm hóa, giác ngộ tư tưởng cách mạng trong Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ), Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ); huấn luyện, thử thách và thay mặt tổ chức lần lượt kết nạp các đồng chí trên vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vào cuối tháng 9 năm 1930, các đảng viên đã thống nhất thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Nhà lao Kon Tum, với tên gọi là Chi bộ Binh, là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên. Sự ra đời của Chi bộ Binh đánh dấu thời khắc “hạt giống” tư tưởng cách mạng của Đảng chính thức được “gieo trồng” trên quê hương Kon Tum, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đó là Cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra vào ngày 12-12-1931. Cuộc đấu tranh đã thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng bạo tàn của quân thù; thể hiện ý chí khát vọng vươn lên giành quyền tự do, đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, cho tổ quốc quyết sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc đấu tranh lưu huyết, đấu tranh tuyệt thực nói riêng và các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trong thời gian bị giam cầm tại Nhà Ngục Kon Tum nói chung...

Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.