HĐND TPHCM thông qua mức chi hỗ trợ 56 tỷ đồng mỗi năm cho những ngành nào?

|

HĐND TPHCM thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đặc thù chi hoạt động thường xuyên cho các ngành Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thi hành án dân sự và Sở Ngoại vụ TPHCM.

Ngày 27-9, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đặc thù chi hoạt động thường xuyên cho ngành Kiểm sát nhân dân Thành phố, ngành Tòa án nhân dân Thành phố, ngành Thi hành án dân sự Thành phố và Sở Ngoại vụ TPHCM. Chính sách nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, TPHCM hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên 19 triệu đồng/biên chế/năm từ nguồn ngân sách thành phố đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo quy định.

Đại biểu HĐND TPHCM thông qua nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 56,3 tỷ đồng/năm. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố: hơn 5,8 tỷ đồng (307 biên chế). Viện Kiểm sát nhân dân quận - huyện, TP Thủ Đức: hơn 11,6 tỷ đồng (614 biên chế). Tòa án nhân dân Thành phố: hơn 7,3 tỷ đồng (389 biên chế). Tòa án nhân dân quận - huyện, TP Thủ Đức: hơn 18 tỷ đồng (951 biên chế). Cục Thi hành án dân sự Thành phố: hơn 2,3 tỷ đồng (125 biên chế ). Chi cục Thi hành án dân sự quận - huyện, thành phố Thủ Đức: hơn 9,4 tỷ đồng (496 biên chế). Sở Ngoại vụ Thành phố hơn 1,5 tỷ đồng (82 biên chế ).

Theo tờ trình của UBND TPHCM, thời gian qua, nhiều vụ án lớn, phức tạp về mức độ và quy mô, nhất là những vụ án kinh tế tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án được đặc biệt quan tâm, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thường xuyên duy trì thực hiện quy chế phối hợp, giao ban liên ngành để giải quyết.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức các cơ quan này chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu nhân sự trong khi khối lượng công việc lớn, phức tạp.

Đối với Sở Ngoại vụ TPHCM cũng phải thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động đối ngoại với khối lượng công việc lớn. Cho nên việc chi hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan này giải quyết hiệu quả công việc trong thời gian tới.

Đại biểu HĐND TPHCM thông qua nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

HĐND TPHCM thông qua nghị quyết quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý.

Theo đó, với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trích 35% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác để tạo nguồn cải cách tiền lương. Trích 40% số thu được để lại theo quy định với các khoản thu khác ngoài các khoản thu trích 35% nêu trên.

Còn các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên từ 120% trở lên thì trích 16% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 120% và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn lại thì trích 10% số thu được để lại.

Đại biểu HĐND TPHCM dự kỳ họp chuyên đề. Ảnh: VIỆT DŨNG

HĐND TPHCM cũng quy định ngân sách nhà nước bố trí phần chênh lệch thiếu để chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù từ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi các đơn vị đã thực hiện trích lập nguồn cải cách tiền lương nêu trên cộng với các nguồn cải cách tiền lương khác. Các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08 năm 2023 của HĐND TPHCM.

Trường hợp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương thì được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nhu cầu của đơn vị.

Với tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương như trên, dự kiến năm 2024, ngân sách nhà nước phải đảm bảo cho phần chênh lệch thiếu để chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên khoản 942 tỷ đồng.