Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam: Công trình biểu tượng của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

|

Ngày 20-10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự hội nghị, sáng 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương".

Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại hội nghị, sáng 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030, về mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất với mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045; tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 đạt tốc độ cao, hoàn thành mục tiêu chiến lược; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; bảo đảm các cân đối lớn; có nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại...

Các đại biểu dự hội nghị, sáng 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030 cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5 - 8,5%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.400 - 7.600USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28 - 30% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 6,5 - 7,5%/năm. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 25 - 30% GDP…

Về xã hội, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 1-1,5%/năm…

10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng được đề ra. Trong đó, thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là phát triển mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất GD-ĐT, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi..

Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại hội nghị, sáng 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó là giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên…

Trong phần trình bày của mình, Thủ tướng cho biết, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không thể để nhân dân còn ở trong nhà tạm, dột nát, do đó thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và mặt trận đã phát động xóa nhà tạm, dột nát trong năm 2025. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện qua phòng chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả bão số 3, chung tay xóa nhà dột nát, Thủ tướng cho rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Về quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng. Năm 2025, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, hoặc 7-7,5%, CPI bình quân khoảng 4,5%. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025; hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm 2025 đối với các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng) và khởi động xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

Các đại biểu dự hội nghị, sáng 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thân thiện môi trường; cần thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thành đồng bộ toàn tuyến, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án; phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt để làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước làm chủ sản xuất các thiết bị, phương tiện; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận và thống nhất về lựa chọn phương án đầu tư. Về công nghệ, lựa chọn công nghệ chạy trên ray, tốc độ thiết kế 350km/giờ, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn. Về công năng vận tải, đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa (đặc biệt là hàng nặng, hàng rời, hàng lỏng...) và khách du lịch chặng ngắn.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm làm dự án, đây là công trình biểu tượng của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện đề án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định.