Nhận diện lãng phí, quy rõ trách nhiệm

|

Trong tuần này, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Trước sự kiện này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với các đại biểu Quốc hội (ĐB) về nhận diện lãng phí, sự quyết tâm từ trung ương đến địa phương trong công cuộc phòng chống lãng phí hiện nay theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Lãng phí là giặc nội xâm

PHÓNG VIÊN: Lãng phí đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc và được xem như là “giặc nội xâm”. Đại biểu suy nghĩ sao về điều này?

ĐB BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Bên cạnh tham nhũng và tiêu cực, lãng phí là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Lãng phí tồn tại ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, thậm chí trong từng cá nhân. Mặc dù công tác phòng, chống lãng phí đã được chú trọng từ lâu nhưng trong thời gian dài, xã hội vẫn xem nhẹ mức độ nguy hại của lãng phí so với tham nhũng hay các tiêu cực khác.

ĐB TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi thường ví lãng phí như những “lỗ rò nhỏ” trên một con tàu lớn.

Ban đầu, những lỗ rò này rất nhỏ, có thể không ai để ý đến nhưng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, chúng sẽ lan rộng, gây nguy hiểm và có thể làm chìm cả con tàu. Lãng phí trong các dự án công, tài nguyên, nhân lực hay cơ hội phát triển đều có sức tàn phá lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Lãng phí xuất hiện ở rất nhiều lĩnh vực. Nhận diện lãng phí có phải là yêu cầu cấp bách hiện nay, thưa đại biểu?

ĐB TẠ VĂN HẠ: Lãng phí có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong các dự án công. Điển hình là các dự án đội vốn, chậm tiến độ hoặc bị bỏ hoang do khâu chuẩn bị đầu tư không tốt, lựa chọn nhà thầu kém hay sự thiếu trách nhiệm trong quản lý. Lãng phí còn xuất hiện ở các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, khi chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Một ví dụ cụ thể là các dự án giao thông lớn bị kéo dài, đội vốn do chuẩn bị đầu tư không kỹ, lựa chọn nhà thầu kém, làm mất thời gian, tiền bạc và cơ hội phát triển.

Về trách nhiệm, từ trước đến nay chúng ta đều có đề cập đến. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chế tài xử lý trách nhiệm để xảy ra lãng phí là chưa đủ sức răn đe?

ĐB LÊ HOÀNG ANH, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh phải làm rõ trách nhiệm của người để xảy ra lãng phí. Đây là một quan điểm chỉ đạo hoàn toàn đúng đắn.

Với vai trò của Quốc hội thì bao giờ cũng phải chỉ ra trách nhiệm của các chủ thể gây ra lãng phí. Khi đã chỉ ra cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm thì chúng ta mới xử lý trách nhiệm của người gây ra lãng phí và phòng tránh tái diễn tình trạng lãng phí.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tôi cho rằng, Quy định 189 cần được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Việc nhận diện các hành vi lãng phí cũng như các vụ việc dẫn tới lãng phí chưa được quy định một cách chặt chẽ trong các quy định của luật, nhất là các văn bản hướng dẫn. Nếu chúng ta không sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bổ sung các tiêu chí nhận diện lãng phí thì rất khó đánh giá về các vụ việc lãng phí hiện nay.

Rà soát các dự án, công trình để lãng phí

Vừa qua, các địa phương đã khẩn trương rà soát các dự án tồn đọng gây lãng phí để xử lý rốt ráo. Đại biểu đánh giá như thế nào về động thái này?

ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về chống lãng phí, góp phần lan tỏa tinh thần tích cực đến các địa phương. Các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát và xử lý nhiều dự án, tài sản công, đất công bị bỏ hoang, qua đó khắc phục tình trạng lãng phí.

Thông điệp của Tổng Bí thư không chỉ mang tính lan tỏa lớn mà còn tạo động lực mạnh mẽ, khơi dậy nguồn năng lượng tích cực trong toàn xã hội. Nhờ thông điệp này, các địa phương nhận thức rõ hơn về công tác phòng chống lãng phí. Hiện nay, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

TPHCM thành lập Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công để triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát. Sự chuyển động này theo tôi đánh giá đã thể hiện quyết tâm cao, triển khai nhanh chóng việc kiểm kê, rà soát và thực hiện các biện pháp xử lý các dự án, công trình gây lãng phí ở các địa phương.

Việc thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác rà soát là bước đi đầu tiên và sự chuyển động rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, hiệu quả cần được đánh giá qua các sản phẩm cụ thể.

Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về sắp xếp tổ chức bộ máy cũng là một phần quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bởi bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả chính là nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Dư luận cho rằng, công tác giám sát tối cao của Quốc hội là rất quan trọng. Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải được đặc biệt quan tâm...

ĐB TẠ VĂN HẠ: Nghị quyết giám sát của Quốc hội cũng đã liệt kê cụ thể danh sách các dự án gây lãng phí, thất thoát, yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề “hậu giám sát” cần được tăng cường hơn nữa để đảm bảo các nghị quyết không rơi vào quên lãng.

Quốc hội đã liệt kê danh mục các dự án và các trường hợp dẫn đến lãng phí lớn, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ khắc phục. Các đại biểu Quốc hội và các đoàn giám sát sẽ tiếp tục theo dõi sát sao quá trình triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục của Chính phủ.

Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cần tăng cường giám sát, lắng nghe ý kiến cử tri trong vấn đề này. Nếu không có giám sát thường xuyên và quyết liệt, những vấn đề cũ có nguy cơ tiếp tục tái diễn, dẫn đến thất thoát và lãng phí kéo dài.

Tôi cho rằng, điều cốt lõi là nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của lãng phí. Từ lãnh đạo đến từng người dân, tất cả đều cần hiểu rằng lãng phí là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả tài nguyên quốc gia và cơ hội phát triển. Do vậy, chúng ta quan tâm hình thành văn hóa chống lãng phí, văn hóa tiết kiệm, để mỗi cá nhân, tổ chức tự giác phòng ngừa và hành động, giúp công cuộc này bền vững.

Sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo ĐB NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhiều quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhưng còn chung chung, chưa thể hiện một cách cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tổ chức triển khai thực hiện.

Hàng năm, các cơ quan đều báo cáo việc này và cũng đều báo cáo Quốc hội về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chế tài xử lý chưa cao.

Do đó, cần quy định rõ ràng hơn về các tiêu chí đo lường lãng phí, đặc biệt ở các lĩnh vực phi vật chất như thời gian và nguồn nhân lực. Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta phải coi phòng chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, có như vậy thì việc sửa luật này mới đảm bảo được hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời cần chú trọng vào việc nhận diện hành vi lãng phí và đưa ra chế tài xử lý phù hợp. Cùng với đó, xây dựng quy trình phòng ngừa lãng phí minh bạch.