Và, thành tích đó một lần nữa được khẳng định khi mới đây Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 đã giải cứu thành công 11 người mắc kẹt trong đám cháy, xảy ra tại tòa nhà cao tầng (số 1 Trần Khánh Dư, quận 1).
Vừa chữa cháy, vừa cứu nạn
15 giờ 35 chiều 21-4, trực ban tiếp nhận tin báo cháy của Phòng Cảnh sát PCCC quận 1: “Tòa nhà Vạn Phúc Gia, số 1 Trần Khánh Dư (phường Tân Định, quận 1) đang xảy ra cháy, cư dân trong tòa nhà rất hoảng loạn”. Khi hay tin, Thượng tá Lê Quốc Bảo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 1 nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo chữa cháy và cứu nạn.
Cảnh sát PCCC tiếp cận các tầng của căn nhà bị cháy đưa những người bị mắc kẹt xuống đất.
Đám cháy xảy ra ở tòa nhà Vạn Phúc Gia được đánh giá là phức tạp, vì vị trí cháy xảy ra ở tầng 1 - nơi có nhiều bàn ghế, giấy báo, vật liệu dễ cháy nên lửa lan nhanh. Công tác cứu nạn cũng gặp rất nhiều khó khăn do người dân hoảng sợ tháo chạy ra khỏi nơi ở và làm việc. Trước tình hình trên, việc triển khai phương án chữa cháy, cứu nạn thế nào cho hợp lý, để dập tắt đám cháy nhanh, cứu được tất cả những người mắc kẹt, không dẫn đến thương vong về người là đều mà người chỉ huy phải tính toán, cân nhắc kỹ. Không có nhiều thời gian để đắn đo các phương án, Thượng tá Lê Quốc Bảo chọn ngay vừa chữa cháy vừa cứu nạn. “Thường trong tác chiến ở các vụ cháy, việc cứu nạn được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp này đám cháy có nguy cơ lan rộng phải đồng thời triển khai tập trung cả hai. Như vậy sẽ dễ khống chế được đám cháy, lại vừa trấn an được tâm lý lo sợ cho người dân để công tác cứu nạn được thuận lợi hơn”, Thượng tá Lê Quốc Bảo nói.
Ngoài triển khai phương án tác chiến cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, Thượng tá Lê Quốc Bảo cũng yêu cầu đơn vị chủ quản, ban quản lý tòa nhà liên tục sử dụng loa để hướng dẫn người dân thoát nạn. Ngay sau quyết định chớp nhoáng của người chỉ huy, hơn 50 cán bộ - chiến sĩ thuộc hai phòng Cảnh sát PC&CC quận 1 và quận 3 chia thành nhiều nhóm tác chiến. Một nhóm trực tiếp phun nước vào đám cháy để dập lửa, nhóm khác tiếp cận ở các tầng, cầu thang của tòa nhà để hướng dẫn, đưa người mắc kẹt xuống đất. Do đám cháy tại tầng 1 tỏa ra nhiều khói, khí độc nên có hơn chục người mắc kẹt ở các tầng trên. Nhiều người vì quá hoảng sợ đã chạy lên tầng thượng của tòa nhà kêu cứu. Để đảm bảo an toàn cho các cư dân bị mắc kẹt, hơn chục trinh sát PCCC dũng cảm tiếp cận vào trong khu vực xảy ra cháy để vừa hút khói vừa kêu gọi, tìm kiếm người mắc kẹt. Sau hơn nửa giờ xảy ra cháy, đám cháy đã được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khống chế. 11 trường hợp mắc kẹt trong tòa nhà bị cháy lần lượt được các trinh sát PCCC tiếp cận và hỗ trợ thoát nạn xuống đất an toàn bằng xe thang 45m.
Để người dân luôn được bình yên
Sau 5 ngày xảy ra sự cố, chị Lâm Thị Hạnh (một nạn nhân mắc kẹt) vẫn chưa hết hoảng sợ khi kể lại vụ việc, chị nói: “Phát hiện có cháy, tôi chạy thang bộ từ tầng 1 lên 5 thì hết sức do vừa lo sợ vừa hít quá nhiều khói độc. Tưởng khó thoát khỏi nguy hiểm do khói ngày càng tỏa ra nhiều. Tuy nhiên may mắn là lúc đó 2 cảnh sát PCCC đã phát hiện và hỗ trợ tôi lên tầng thượng để chuyển xuống đất bằng xe thang. Tôi rất biết ơn các cảnh sát PCCC đã rất tận tâm với công việc của mình ngày hôm ấy”.
“Ở đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ được giao công việc chuyên môn cụ thể, có tính chuyên trách, có cán bộ được tập huấn chuyên về cứu nạn, có chiến sĩ được giao làm nhiệm vụ tiếp nước chữa cháy. Tuy nhiên, khi đứng trước một đám cháy, để dập tắt được lửa, các chiến sĩ không chỉ làm trọn nhiệm vụ phân công mà còn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong tác chiến. Chiến công lớn nhất của chúng tôi chính là đảm bảo cho người dân trên địa bàn mình phụ trách luôn được bình yên”, Thượng tá Lê Quốc Bảo khẳng định.