Chiều 26-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TPHCM về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn.
Cháy lớn gây chết người tăng đột biến
Tại buổi làm việc, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.889 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, CNCH. Trong đó, cháy xảy ra 2.536 vụ, làm 29 người chết, 69 người bị thương.
Tổng thiệt hại về tài sản do cháy ước tính thành tiền khoảng 303,8 tỷ đồng. Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân (505 vụ). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do vi phạm điều kiện an toàn trong sử dụng điện (989 vụ). Đáng lo ngại là số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, cháy lớn là do các nguyên nhân như: người dân, chủ nhà, cơ sở xảy ra cháy báo tin đến tổng đài 114 chậm; lực lượng chữa cháy tại chỗ yếu, không dập tắt được lửa ngay khi đám cháy mới phát sinh; nguồn nước chữa cháy thiếu; bán kính từ trụ sở các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp đến vị trí xảy ra cháy còn xa.
Đại tá Lê Tấn Bửu dự báo tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Thành phố hiện có 11.055 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; hơn 270.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, nhà ở kết hợp kinh doanh nằm xen cài trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. Trong khi đó, công tác phòng và chữa cháy lại còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đại tá Bửu dẫn chứng: “Theo quy định, bán kính trung bình từ trụ sở đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi xảy ra cháy phải dao động từ 3-5km, nhưng tại TPHCM hiện nay khoảng cách này dài hơn 10km. Nước chữa cháy cũng thiếu về số lượng, yếu về áp lực.
Khẩn trương hoàn thiện mạng lưới cấp nước chữa cháy
Để kéo giảm số vụ cháy nổ và hậu quả để lại trong thời gian tới, Đại tá Lê Tấn Bửu kiến nghị Thành ủy, UBND TPHCM sớm làm việc và thống nhất với Bộ Công an về công tác phối hợp, hỗ trợ triển khai Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP đến năm 2025. Trong đó chấp thuận thành lập mới 6 phòng cảnh sát PCCC tại các quận huyện: 5, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Thủ Đức và Hóc Môn. Ngoài ra, cần đầu tư, trang bị thêm xe cơ giới (xe chở nước, xe bơm, xe thang…)
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan ghi nhận các kiến nghị của Cảnh sát PCCC, khẩn trương tham mưu các giải pháp cho Thành ủy, UBND TPHCM để sớm xử lý, giải quyết các tồn tại, kéo giảm số vụ cháy nổ xảy ra.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguồn nước là yếu tố quan trọng trong công tác chữa cháy, do đó yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn nghiên cứu, triển khai lắp đặt bổ sung các trụ nước còn thiếu, hoàn chỉnh đến năm 2020. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TPHCM cần mở rộng và nâng chất công tác truyền thông, tuyên truyền về PCCC. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm tra đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, không để vi phạm diễn ra.