An toàn cháy nổ cuối năm: Xử nghiêm vi phạm, thắt chặt trực sẵn sàng chiến đấu

|

Thông thường vào cuối năm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí… của người dân diễn ra nhộn nhịp hơn. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tình trạng đốt vàng mã diễn ra phổ biến… kéo theo nguy cơ cháy nổ rất khó lường. 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu (ảnh), Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM. 

 * PHÓNG VIÊN: Năm 2017 sắp kết thúc, xin ông cho biết một số kết quả mà ngành PCCC thành phố đạt được trong năm qua?

* Đại tá LÊ TẤN BỬU: 2017 là năm tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM diễn biến khá phức tạp. Bằng nhiều giải pháp căn cơ và lâu dài như tăng cường kiểm tra đối với cơ sở nhạy cảm về cháy nổ; nâng cấp lực lượng phòng và chữa cháy từ thành phố xuống tận cơ sở, khu phố, tổ ấp; mở rộng, đổi mới các hình thức tuyên truyền… Ý thức của đa số người dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC được nâng lên; nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao được chuyển hóa. Hơn 50% số vụ cháy, hỏa hoạn xảy ra trong năm được người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ kịp thời xử lý, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Có điều đáng lưu ý, tuy số vụ cháy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng số người chết lại tăng cao, có 13 người chết. Tình hình này nói lên tình hình cháy nổ ở thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là cảnh sát PCCC, tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị, người dân cần quyết tâm, quyết liệt bằng nhiều giải pháp và cách làm để kéo giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra.
     
* Càng về cuối năm, nguy cơ cháy nổ càng cao, Cảnh sát PCCC TPHCM đang triển khai các giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn, hạn chế cháy nổ xảy ra?

* Từ đầu tháng 11-2017, Cảnh sát PCCC TPHCM đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ trực thuộc phối hợp với nhiều sở ngành thành lập các đoàn kiểm tra PCCC theo từng chuyên đề. Tương tự, các phòng cảnh sát PCCC ở cấp quận huyện tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức các đợt kiểm tra.

Đối tượng kiểm tra tập trung, chủ yếu ở các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - nơi tập trung đông người, cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất, khí hóa lỏng, tòa nhà cao tầng, chung cư cũ…

Mục đích của việc tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề vào thời điểm cuối năm được xác định rõ là để kịp phát hiện, khắc phục các vi phạm về PCCC; đồng thời nâng cao ý thức cho người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp trong công tác PCCC.

Bên cạnh việc kiểm tra, công tác trực, sẵn sàng chiến đấu cũng được Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là ban chỉ huy các bộ phận, đơn vị trực thuộc. Tuyệt đối không trường hợp nào bỏ vị trí chiến đấu, dù vị trí đó quan trọng nhiều hay ít; để khi có sự cố, tai nạn xảy ra, công tác ứng phó luôn đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Ở một số khu vực quan trọng, nơi tập trung đông người, có nguy cơ xảy ra cháy nổ, lực lượng trực chiến đấu cùng trang thiết bị, phương tiện cũng đã được tăng cường ngay lúc này.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được gia tăng. Ban đêm, cán bộ địa bàn phối hợp với đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trưởng khu phố, tổ dân phố) đến tận nhà dân, các khu trọ, bến bãi, hoặc tổ chức họp tổ dân phố để thông tin tình hình cháy nổ, phổ biến kiến thức cháy nổ, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho người dân. 
Cán bộ Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra, nhắc nhở chủ tiệm sửa xe  không tồn trữ xăng dầu nhiều trong nhà
 * Là người đứng đầu cảnh sát PCCC thành phố, có nhiều kinh nghiệm trong PCCC, thoát nạn, ông có khuyến cáo gì cho người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp trong việc phòng ngừa cháy nổ ở thời điểm cuối năm?
* Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất, sinh hoạt tăng nhiều nhất. Để tránh quá tải điện, dẫn đến sự cố chạm chập gây cháy nổ, các hộ dân, chủ cơ sở cần lưu ý không nên sử dụng máy móc, thiết bị có công suất tiêu thụ điện cao (ủi quần áo, nấu nước…) vào những giờ cao điểm. Khi ra khỏi nhà cần ngắt cầu dao điện, các thiết bị điện, khóa van gas. Điều này không chỉ ghi nhớ cho bản thân mà cần được nhắc nhở, phổ biến để mọi người xung quanh, trong gia đình cùng biết, thực hiện.

Đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh không nên tồn trữ nhiều hóa chất, chất dễ cháy (xăng, dầu, gas…) trong nhà, nhất là nơi có đông người sinh hoạt, ngủ nghỉ.

Khi có sự cố cháy xảy ra, mỗi người cần bình tĩnh để chọn phương án thoát nạn sáng suốt, hiệu quả nhất. Đặc biệt, phải báo tin nhanh nhất có thể đến tổng đài 114 để được ứng cứu kịp thời.

Tốt nhất, mỗi hộ gia đình nên trang bị thiết bị chữa cháy trong nhà để có thể dập tắt đám cháy một cách nhanh nhất khi mới phát sinh…

* Theo ông, những nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ ở TPHCM còn diễn biến phức tạp? Về lâu dài, Cảnh sát PCCC TP sẽ triển khai những giải pháp gì để kéo giảm cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại?

* Tốc độ phát triển nhanh, số lượng doanh nghiệp tăng cao qua từng năm, tác động của biến đổi khí hậu… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy nổ diễn biến ngày càng phức tạp. Các nguyên nhân này vừa do yếu tố chủ quan vừa có yếu tố khách quan. Tuy nhiên, tất cả nguyên nhân đều xuất phát từ con người.

Do đó, theo tôi, các bất cập, tồn tại ắt phải có giải pháp. Một trong những giải pháp cần thiết, phải làm thường xuyên và luôn phát huy hiệu quả mà cảnh sát PCCC đã, đang và sẽ quyết liệt thực hiện là đẩy mạnh phòng trào toàn dân PCCC. Trong phong trào này, chúng tôi tập trung vào phương châm “4 tại chỗ”. Trong “4 tại chỗ” sẽ xây dựng tốt lực lượng tại chỗ (người dân, bảo vệ dân phố, dân phòng, lực lượng PCCC chuyên ngành…). Một khi lực lượng tại chỗ có đủ nhân sự, được phổ biến đầy đủ kiến thức PCCC, được tập huấn - hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; trang bị đủ thiết bị chữa cháy… chắc chắn sẽ làm tốt công tác phòng cháy, ứng phó nhanh và hiệu quả với sự cố cháy nổ. Lực lượng này vẫn đang được Cảnh sát PCCC xây dựng để từng bước hoàn thiện, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp về kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị… 

* Cảm ơn ông!