Trải nghiệm mô hình cứu nạn cứu hộ hiện đại

|

Vào tháng 7-2017, Cảnh sát PCCC TPHCM đã được UBND TPHCM trang bị 2 xe mô hình đào tạo di động kỹ - chiến thuật cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên cạn. 

Đây là mô hình huấn luyện hiện đại của thế giới hiện nay, giúp chiến sĩ thực tập các phương án sát với tình huống thực tế hơn. Cảnh sát PCCC TPHCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước được trang bị mô hình này. 

Trước nay, việc tập luyện CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC chủ yếu diễn ra ở sân bãi có đầy đủ ánh sáng, nhìn rõ đám cháy, ít bị nhiệt từ nguồn lửa và khói tác động đến khả năng chiến đấu. Dẫn đến, khi tham gia một vụ cháy thật, các chiến sĩ và lực lượng PCCC cơ sở đôi khi gặp lúng túng vì tình huống xảy ra phức tạp hơn nhiều. Mô hình đào tạo di động kỹ - chiến thuật CNCH trên cạn vừa được UBND TPHCM trang bị cho Cảnh sát PCCC TP đã giải quyết các vấn đề hạn chế vừa nêu.
 
Ngay khi tiếp nhận mô hình, các chuyên gia của hãng Fireblast Global (Mỹ) đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thao tác sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng mô hình đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC TPHCM. Bên ngoài mô hình có cấu tạo như container di động, chiều dài 18,5m, cao 3,5m, nặng 19 tấn, có đầu móc vào xe tải để di chuyển (ảnh). Mô hình hoạt động bằng khí gas, mô phỏng các tình huống với chiến thuật đa dạng: lửa tấn công từ ngoài và trong, lửa cháy bùng có bắn tia lửa điện, hệ thống thông gió dọc và ngang, tìm kiếm và cứu hộ, tấn công trực tiếp và gián tiếp các đám cháy lan từ dưới tầng hầm… 

Khi quan sát thực tế và trải nghiệm vụ cháy thử của mô hình này, quả thật chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục vì mọi thứ diễn ra như thật. Giả định tình huống cháy xảy ra tại nhà dân, phạm vi chữa cháy hẹp gồm gian bếp, phòng, lầu và ban công phía trên nóc. Ngọn lửa bùng phát từ bếp gas, sau đó cháy lan sang bộ ghế sofa, tiếp đến là trần nhà và cuối cùng bao trùm cả căn nhà. Độ nóng lúc này đã lên tới 3000C, khói bốc mù mịt không còn thấy đường đi, không khí bị đốt cháy gây ngạt thở khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi, muốn bỏ chạy ngay tức khắc. Tại thời điểm này, chúng tôi mới hiểu rằng trong những vụ cháy thật, vì sao lại có người chết. Nếu không bình tĩnh và không có kỹ năng thoát nạn sẽ khó thoát được khi đối diện với lửa. Qua đó cho thấy, việc thật sự cần thiết khi có mô hình này để lính chữa cháy có thể thực hành nhuần nhuyễn, tiếp cận hiện trường thực tế không bị ngỡ ngàng; từ đó bình tĩnh, nhanh chóng thực hiện kế hoạch CNCH. 

Đánh giá về mô hình này, Đại tá Trần Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo huấn luyện PCCC và CNCH (Cảnh sát PCCC TPHCM) cho biết: “Đây là mô hình tập huấn thông minh, huấn luyện CNCH hiện đại đầu tiên ở nước ta. Khi có thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn xảy ra, mọi việc đều diễn ra rất nhanh chóng, nguy hiểm khôn lường; đòi hỏi lực lượng cứu hộ phải phản ứng và triển khai nhanh chóng, chính xác để giảm thiểu tối đa tổn thất về người và tài sản. Vì thế, việc trang bị mô hình này nhằm mục đích nâng cao kỹ - chiến thuật, khả năng chiến đấu, CNCH cho các chiến sĩ chữa cháy”.  

Cũng theo Đại tá Trần Văn Bảy, mô hình này không chỉ dành cho chiến sĩ PCCC chuyên nghiệp mà các đối tượng văn phòng, doanh nghiệp hay lực lượng chữa cháy cơ sở đều có thể tham gia thực hành. Nếu các tỉnh lân cận TPHCM muốn tập huấn cho chiến sĩ chữa cháy, CNCH ở tỉnh mình, Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ hỗ trợ.