Cháy cơ sở thu mua phế liệu: Còn lơ là, còn xảy ra cháy

|

Đã không ít vụ cháy lớn xảy ra tại các vựa phế liệu gây hậu quả nghiêm trọng, thế nhưng công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các cơ sở này vẫn đang rất báo động. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, các vựa phế liệu còn được ví như những “quả bom nổ chậm” nằm xen lẫn với các khu dân cư bởi bên trong cơ sở luôn ngập tràn các thiết bị, phế liệu có khả năng gây cháy nổ. \r\n

Bỏ ngỏ khâu phòng ngừa

Thêm một vụ cháy vựa phế liệu nữa vừa xảy ra tại quận Gò Vấp (TPHCM) vào chiều 7-8. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC quận Gò Vấp đã điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ - chiến sĩ tham gia dập lửa, tuy nhiên, đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ phế liệu, đồ dùng sinh hoạt ở cơ sở, rất may không có thương vong về người.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM - đây là một trong số hơn 150 sự cố cháy nổ liên quan đến các vựa phế liệu xảy ra trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay.

Hầu hết vụ cháy đều xuất phát từ những nguyên nhân chính như chủ cơ sở sử dụng điện không an toàn (tự ý đấu nối điện sai kỹ thuật, gây chập điện); làm rơi tàn thuốc lá vào phế liệu dễ gây cháy…

Và cháy lan cháy lớn xảy ra do chủ cơ sở không lắp đặt hệ thống PCCC, phế liệu chất thành đống cao, che bít lối thoát nạn…
Cảnh sát PCCC dập tắt đám cháy tại một cơ sở tái chế phế liệu ở huyện Bình Chánh
Từ các nguyên nhân gây cháy cơ sở phế liệu nêu trên, thời gian qua, PC07 Công an TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa; trong đó tập trung vào việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho chủ các cơ sở thu mua phế liệu.

“Tuy nhiên, hiệu quả không cao như kỳ vọng bời phần lớn các cơ sở phế liệu thường hoạt động không ổn định một chỗ. Nhiều trường hợp khi bị nhắc nhở, chủ cơ sở lại chuyển đến địa điểm khác hoạt động.

Cũng có trường hợp chỉ khắc phục trong thời gian ngắn ngay sau khi bị kiểm tra, nhắc nhở, còn sau đó vẫn tái phạm, trong khi lực lượng chức năng không thể theo dõi, kiểm tra, xử lý xuyên suốt được”, một cán bộ kiểm tra thuộc Đội Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh cho biết.

Cũng theo vị cán bộ này, hậu quả để lại từ các vụ cháy cơ sở phế liệu là vô cùng lớn. Không chỉ trực tiếp gây thương vong về người, thiệt hại về tài sản, các vụ cháy phế liệu còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của người dân xung quanh và môi trường vì phần lớn chất cháy ở vựa phế liệu đều rất độc hại (nhựa phế phẩm, cao su, khí gas, xăng dầu, hóa chất…).

Tình trạng vi phạm PCCC và hậu quả để lại từ các vụ cháy cơ sở phế liệu tuy đáng lo ngại, song công tác xử lý vi phạm của ngành chức năng lại gặp nhiều khó khăn.

“Phần lớn chủ các cơ sở phế liệu là người từ địa phương khác đến TPHCM mưu sinh. Nhắc nhở rồi nhưng họ vẫn không khắc phục, xử phạt lại không chịu nộp tiền, đình chỉ hoạt động cũng không được vì họ không đăng ký kinh doanh.

Bức bách, cảnh sát PCCC phối hợp với địa phương cưỡng chế thì chủ cơ sở lại thuê một khu đất khác tiếp tục hoạt động. Điệp khúc vi phạm cứ kéo dài như vậy”, đại diện Đội Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh cho hay.

Không cấp phép hoạt động nếu không đảm bảo PCCC

Đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCCC tại các cơ sở thu mua phế liệu?

Theo PC07 Công an TPHCM, trước hết địa phương phải triển khai nhanh việc di dời các cơ sở thu mua phế ra khỏi các khu dân cư theo quy định, vì hoạt động của các cơ sở này không chỉ làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn cho người dân, mặt khác còn gây ô nhiễm môi trường.

Những trường hợp không chịu di dời, địa phương phải có chế tài mạnh, cưỡng chế; trường hợp không có giấy phép kinh doanh, phải cương quyết không cho hoạt động.

Về lâu dài, thành phố và các quận huyện cần quy hoạch có khu chuyên thu mua phế liệu riêng, nằm xa khu dân cư. Việc cấp phép cho các cơ sở thu mua phế liệu phải lấy yếu tố PCCC làm điều kiện tiên quyết. Khi điều kiện PCCC tại cơ sở không đảm bảo, kiên quyết không cấp giấy phép.

Thu mua phế liệu là lĩnh vực có nguy cơ cháy nổ cao, do đó đối với các cơ sở buộc phải có lực lượng PCCC tại chỗ. Tới đây, PC07 Công an TPHCM yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC các quận huyện tổng kiểm tra vấn đề này để tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cơ bản cho lực lượng tại chỗ.

Ngoài ra, Cảnh sát PCCC cũng sẽ mời chủ các cơ sở đến để tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu cam kết không để vi phạm tồn tại. Đồng thời, PC07 Công an TPHCM cũng sẽ phối hợp với ngành cấp nước hoàn thiện, lắp đặt bổ sung các khu vực còn thiếu trụ nước chữa cháy để đảm bảo công tác chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Đối với địa phương, các quận huyện, phường xã cần nâng cao, làm mới các hình thức tuyên truyền để chủ các cơ sở thu mua phế liệu nhận thức đúng sự nguy hiểm của hiểm họa cháy nổ, từ đó phòng ngừa tốt hơn.

Theo PC07 Công an TPHCM, rất nhiều cơ sở thu mua phế liệu hoạt động trong hẻm nhỏ, xe chữa cháy không thể vào được. Thêm nữa, những vị trí cơ sở phế liệu hoạt động thường nằm trong khu quy hoạch, có rất ít trụ nước chữa cháy. Do đó, khi cháy nổ xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.