Bài học quý từ công tác chi viện chữa cháy

|

Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát tình hình cháy nổ, lực lượng PCCC - Công an TPHCM cũng đã nhiều lần xuất quân chi viện, kịp thời hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận tổ chức cứu chữa hiệu quả những vụ cháy lớn.\r\n

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, Công an TPHCM đã 3 lần điều động lực lượng, phương tiện tham gia chi viện chữa cháy tại tỉnh Bình Dương.

Mới nhất là ngày 22-5, lực lượng PCCC chuyên nghiệp của TPHCM tiếp tục tham gia ứng cứu vụ cháy Công ty TNHH Chung An chuyên sản xuất băng keo nằm trong Khu công nghiệp Việt Hương (ảnh).

Sự tham gia chi viện kịp thời của lực lượng PCCC - Công an TPHCM đã giúp tỉnh bạn nhanh chóng kiểm soát và dập tắt thành công cả 3 lần, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cơ sở và bảo vệ sự an toàn cho các khu dân cư cũng như doanh nghiệp xung quanh.

Điều này phần nào khẳng định được sức mạnh, sự chính quy, tinh nhuệ của lực lượng PCCC - Công an TPHCM. Đồng thời qua đó, những bài học kinh nghiệm quý về công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và tầm quan trọng của thông tin về nguồn nước phục vụ chữa cháy cũng được rút ra cho chính lực lượng PCCC chuyên nghiệp của thành phố.

Với vai trò chỉ huy chữa cháy, trực tiếp tham gia điều hành lực lượng trong những lần chi viện tại Bình Dương vừa qua, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an TPHCM), cho rằng nét tương đồng về một số tác nhân dẫn đến các vụ cháy lớn tại các địa phương khác cũng như tại TPHCM thường do báo cháy chậm, ngay khi phát hiện ra cháy, lực lượng tại chỗ cứ loay hoay tìm cách cứu chữa mà không kịp thời thông tin cho lực lượng Cảnh sát PCCC, đợi đến lúc không kiểm soát được tình hình thì mới yêu cầu sự trợ giúp của lực lượng PCCC.

Điều này khiến thời gian cháy tự do kéo dài, ngọn lửa phát triển mạnh và bức xạ nhiệt cao sẽ nhanh chóng tạo thành đám cháy lớn. Thứ hai là lực lượng và phương tiện tại chỗ giữ vai trò rất quan trọng trong việc xử lý chữa cháy ban đầu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này; hệ quả là nhân lực, vật lực đều yếu và thiếu nên việc tổ chức cứu chữa tình huống cháy khi vừa mới phát sinh không đạt được hiệu quả.

“Việc xác định được các vấn đề, bài học kinh nghiệm nêu trên thực sự giúp ích rất nhiều cho Công an TPHCM trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC, hướng đến mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn về cháy nổ”, Thượng tá Đỗ Văn Kháng nhấn mạnh.