Ngăn nguy cơ cháy nổ hóa chất

|

Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ các cơ sở hoạt động liên quan đến hóa chất xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng có chiều hướng gia tăng. Tính chất phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nhiều đến môi trường của các vụ cháy nổ hóa chất khiến dư luận bất an. \r\n

Rà soát toàn diện

Vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) xảy ra hồi cuối tháng 8-2019 gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 150 tỷ đồng; đặc biệt, lượng thủy ngân phát tán ra từ vụ cháy này có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và tác hại đến môi trường khiến người dân hết sức lo lắng.

Mới đây, vào cuối tháng 10-2019, ngọn lửa bất ngờ bùng phát mạnh trong đêm tại Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Gragon Up - cơ sở chuyên sản xuất giày dép và có 100% vốn đầu tư nước ngoài (nằm trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM). Công an TPHCM đã điều động 15 xe chuyên dụng cùng 120 cán bộ chiến sĩ từ đơn vị công an các quận huyện: 6, Bình Tân, Bình Chánh và Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH khẩn trương đến hiện trường, phối hợp tổ chức chữa cháy, CNCH.

Khu vực xảy ra cháy là kho pha chế dung môi, tồn chứa nhiều hóa chất khiến ngọn lửa phát triển nhanh và tỏa ra nhiều khí độc. Sau gần một tiếng đồng hồ chiến đấu, lực lượng Cảnh sát PCCC dập tắt đám cháy hoàn toàn và ngăn chặn cháy lan sang các khu vực xung quanh...

Đoàn kiểm tra nhận định quầy kinh doanh quẹt gas là vị trí có nguy hiểm về cháy, nổ cần phải lưu ý tại chợ Kim Biên

Trước tình hình nói trên, UBND TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị gồm Công an, Sở Công thương, Sở TN-MT, Tổng công ty Điện lực và UBND quận huyện phối hợp tổng kiểm tra an toàn PCCC-CNCH đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ và sử dụng hóa chất trên địa bàn thành phố.

Tại các cơ sở, đoàn công tác liên ngành của thành phố đã tập trung xem xét hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC-CNCH, các loại giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp và đối chiếu với danh mục hóa chất thực tế tại cơ sở.

Đoàn cũng khảo sát tình trạng hoạt động của những dây chuyền công nghệ có sử dụng dung môi, hóa chất, khí đốt hóa lỏng hoặc có nhiều bụi bông có thể tạo thành nồng độ nguy hiểm gây cháy, nổ; việc lắp đặt, sử dụng hệ thống và thiết bị tiêu thụ điện trong môi trường hóa chất nguy hiểm cháy nổ; việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường; kiểm tra số lượng, chất lượng các trang thiết bị, hệ thống PCCC tại chỗ và năng lực hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở; công tác tổ chức đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất cho cán bộ, lãnh đạo, nhân viên phụ trách và các cán bộ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hóa chất… 

Tiềm ẩn nguy cơ 

Tiến hành kiểm tra thực tế đối với khu vực kinh doanh hóa chất xung quanh chợ Kim Biên, đoàn công tác ghi nhận có trường hợp chỉ đăng ký và được cấp phép văn phòng giao dịch nhưng cơ sở lại có hoạt động tồn chứa, buôn bán hóa chất độc hại, nguy hiểm về cháy nổ, thậm chí còn kết hợp làm nhà ở với các hoạt động đun nấu diễn ra ngay sát với khu vực sắp xếp hóa chất.

Bên cạnh đó, tình trạng thờ cúng; sử dụng điện không đảm bảo an toàn; tồn trữ và buôn bán hàng hóa dễ cháy, nổ như bình gas mini, keo và cồn khô; bố trí hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn; không trang bị dụng cụ chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, không bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên; lực lượng chữa cháy tại chỗ vừa thiếu lại vừa yếu... là những nguy cơ gây mất an toàn về cháy, nổ phổ biến tại đa số hộ cá thể kinh doanh hóa chất xung quanh chợ Kim Biên. 

Lực lượng chức năng cũng lập biên bản và yêu cầu Ban quản lý chợ Kim Biên khẩn trương xử lý, vận động chủ quầy sạp kinh doanh quẹt gas không được tồn chứa, buôn bán sản phẩm đã nạp đầy nhiên liệu như thời điểm kiểm tra đã phát hiện.

Ông Đoàn Xuân Trường, Phó trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, cho biết: “Chợ Kim Biên chỉ có 16 quầy sạp kinh doanh phụ gia thực phẩm được Sở Y tế cấp giấy phép đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với trường hợp hộ kinh doanh quẹt gas, ban quản lý chợ sẽ tiến hành xử lý theo đúng yêu cầu, kiến nghị của đoàn kiểm tra”.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 11-2019, đoàn công tác liên ngành cấp thành phố tiếp tục kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm cháy, nổ, độc hại nằm xen cài trong khu dân cư và thuộc các khu, cụm công nghiệp.

Đợt tổng kiểm tra này sẽ giúp đơn vị chức năng nắm chắc tình hình đối với những cơ sở hoạt động có liên quan đến hóa chất trên địa bàn TPHCM, từ đó đề ra biện pháp phối hợp chặt chẽ nhằm chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý đối với các cơ sở này.