Thấp thỏm nỗi lo cháy nổ

|

Từ cuối tháng 12-2020 đến tháng 3-2021, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra ít nhất 5 vụ cháy liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ gây thiệt hại nhiều tài sản, vật chất.\r\n

Làng mộc truyền thống ở huyện Trảng Bom tập trung chủ yếu tại xã Hố Nai 3 và xã Bình Minh với gần 200 cơ sở. Qua ghi nhận thực tế, tại đây còn nhiều bất cập trong công tác PCCC như cơ sở có diện tích sản xuất kinh doanh nhỏ, chủ tận dụng tối đa diện tích mặt bằng để kê máy móc, tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm, còn nhà xưởng thường xây tạm, dây chuyền sản xuất lạc hậu, máy móc, thiết bị không được kiểm định chất lượng, hệ thống điện không được cải tạo thường xuyên... rất dễ gây cháy. Ý thức chấp hành quy định an toàn về PCCC của cả người lao động và chủ sử dụng lao động còn hạn chế, bất cẩn trong việc sử dụng xăng, sơn, khí gas. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC tại chỗ còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng.

Làng mộc truyền thống Hố Nai bao gồm 3 phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa (TP Biên Hòa) được mệnh danh là “vương quốc gỗ” của Đồng Nai với khoảng 500 cơ sở, hộ gia đình làm nghề mộc. Riêng ở phường Tân Hòa có khoảng 400 cơ sở, với 1.610 lao động. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở sản xuất, mua bán đồ gỗ ở đây quy mô nhỏ lẻ, hình thành tự phát và nằm xen kẽ với khu dân cư, thậm chí có cơ sở vừa là nơi sản xuất vừa là nơi ở của cả gia đình nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Qua thực tế khảo sát của lực lượng chức năng cho thấy, các cơ sở sản xuất thường không bảo đảm an toàn PCCC.

Tại các cơ sở, lượng mùn cưa, vỏ bào, vụn gỗ tích tụ lâu ngày không được dọn dẹp tạo thành những đống lớn. Ngoài sơn, các hộ còn sử dụng hóa chất tạo màu cho sản phẩm kết hợp với dung môi dễ cháy nổ như xăng, cồn để pha chế. Các hộ sản xuất nằm liền kề nhau, chỉ ngăn cách bằng những vách tôn dựng tạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và cháy lan. Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, song nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ vẫn rất chủ quan với “giặc lửa”. Từ sự bất cẩn, thiếu ý thức đã dẫn đến nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, thậm chí về người.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai, làng nghề gỗ truyền thống tiềm ẩn nguy cơ cháy vì chứa một lượng nguyên liệu, dung môi lớn. Dù được kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng công tác PCCC của nhiều cơ sở mộc không đảm bảo an toàn. Do đó, không chỉ những người dân làng mộc thấp thỏm lo cháy mà cả lực lượng chức năng và chính quyền cũng thấp thỏm, bởi “bà hỏa” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.