Bình Dương gỡ khó phòng cháy chữa cháy

|

Công an tỉnh Bình Dương vừa công bố danh sách 1.147 cơ sở, công trình sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về công tác PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng, tập trung nhiều nhất tại TP Tân Uyên (597 cơ sở, công trình), Thuận An (196 công trình), Bến Cát (109 công trình).

Trong danh sách này, có rất nhiều công ty sản xuất đồ gỗ, may mặc, sản xuất giấy... diện tích mỗi nhà xưởng lên đến hàng ngàn mét vuông, thậm chí có cả tòa nhà với hàng trăm căn hộ như khu nhà ở cao tầng Eden Thuận An. Lý do được các chủ đầu tư giải trình đa phần là hạn chế kinh phí đầu tư khắc phục vi phạm về PCCC, nhiều công ty thiết kế không đúng phương án PCCC được duyệt...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã kiểm tra định kỳ, đột xuất và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với 855 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng.

Đồng thời đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 244 cơ sở và quyết định đình chỉ hoạt động 268 cơ sở vi phạm quy định về PCCC; đã khôi phục tình trạng hoạt động cho 27 cơ sở đáp ứng đủ quy định về PCCC. Dù ngành chức năng liên tục cảnh báo, kiểm tra nhưng cùng thời gian trên, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 86 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn, 42 vụ cháy trung bình và 43 vụ cháy nhỏ, thiêu rụi hàng chục nhà xưởng cùng hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ ở tỉnh Bình Dương, lãnh đạo công ty luôn mong muốn tuân thủ các quy định về PCCC, nhưng khó khăn lớn là do nhà xưởng được thuê từ lâu, việc đáp ứng các tiêu chí, quy định liên quan để sản xuất an toàn là bất khả thi, trừ khi đầu tư xây dựng nhà xưởng mới. Do đó, dù bị đình chỉ hoạt động sản xuất do vi phạm PCCC nhưng vì việc làm của người lao động, các đơn hàng đã ký trước nhiều tháng, nên công ty vẫn tổ chức sản xuất, siết chặt các nội quy và tập huấn kỹ năng xử lý bằng các dụng cụ tại chỗ khi xảy ra cháy nổ.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, việc tạm đình chỉ hoạt động cơ sở do chưa có giấy phép PCCC là một công cụ hành chính để chủ động hạn chế nguy cơ cháy nổ, buộc các doanh nghiệp phải hoàn thiện hệ thống PCCC theo quy định.

Cùng với ra quyết định đình chỉ, ngành chức năng cũng chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sản xuất an toàn, nhất là tổ chức tập huấn PCCC-CNCH, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức trách nhiệm người sử dụng lao động và người lao động nhằm kéo giảm các vụ cháy nổ, xây dựng môi trường sản xuất an toàn.

Thực tế, công tác PCCC là yếu tố hết sức quan trọng, đặt lên hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhà xưởng, cơ sở sản xuất. Bên cạnh ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, sự vào cuộc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng phải quyết liệt. Tuy nhiên, ngành chức năng cần tích cực hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp kịp thời đáp ứng các yêu cầu, quy định về PCCC.