Người dân hài lòng với cơ chế một cửa liên thông

|

Ngay từ những năm 2001 - 2002, các mô hình “một cửa”, “một cửa - một dấu” được tỉnh Đồng Nai nghiên cứu thí điểm tại huyện Thống Nhất và sau đó rút kinh nghiệm, hình thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh.\r\n

Hướng dẫn tải ứng dụng tra cứu thủ tục hành chính ở TTHCC Đồng Nai

Với nhiệm vụ giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 18 cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và 5 cơ quan ngành dọc đặt tại địa phương, sau gần 1,5 năm ra mắt, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh Đồng Nai đã mang lại nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thiết thực vào công tác cải cách hành chính(CCHC).  

Tin học hóa tất cả giao dịch hành chính 

Ngay từ những năm 2001 - 2002, các mô hình “một cửa”, “một cửa - một dấu” được tỉnh Đồng Nai nghiên cứu thí điểm tại huyện Thống Nhất và sau đó rút kinh nghiệm, hình thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2007, cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” từng bước được hình thành, tạo nên sự thay đổi về chất trong cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị. 

Năm 2013, mô hình “Một cửa liên thông hiện đại” lấy nền tảng CNTT phát triển, được triển khai thí điểm tại 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa. Tiếp đó, mô hình được triển khai đồng bộ, hình thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại 20/20 sở, ngành; 11/11 UBND cấp huyện và 171/171 UBND cấp xã, cơ sở vật chất khang trang, ứng dụng CNTT với các tiện ích phục vụ người dân.

Tiếp tục thực hiện chủ trương CCHC mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, từ cuối năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành bắt đầu nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh bạn, phân tích đặc điểm tình hình Đồng Nai để xây dựng, hoàn chỉnh Đề án thành lập TTHCC của tỉnh. Tháng 3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản thống nhất đề án thành lập trung tâm. Sau khi có văn bản thống nhất đề án thành lập trung tâm của Bộ Nội vụ, ngày 17-4-2017, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập TTHCC tỉnh và ngày 15-5-2017, trung tâm chính thức đi vào hoạt động. 

TTHCC là đơn vị hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài việc tổ chức thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết của 1.476 thủ tục hành chính (trong đó, có 31 thủ tục hành chính ngành dọc như công an tỉnh, cảnh sát phòng cháy - chữa cháy, cục thuế tỉnh; 16 thủ tục hành chính của ngành điện, 7 thủ tục hành chính của ngành nước cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại phục vụ doanh nghiệp, người dân) thì TTHCC còn có chức năng đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính và ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống phần mềm điện tử nhằm tin học hóa tất cả giao dịch hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai còn chủ trương thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết một số thủ tục hành chính như: đo vẽ, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm của các huyện và chuyển nhượng lĩnh vực đất đai của TP Biên Hòa tại trung tâm. Đây là một giải pháp, cách làm mới, đầu tiên trên cả nước và tiến tới các hồ sơ của UBND cấp huyện cũng có thể tiếp nhận, xử lý, trả kết quả tại TTHCC và ngược lại.

Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT

Mặc dù mới đưa vào hoạt động chưa đầy 2 năm, nhưng bước đầu TTHCC đã nhận được đánh giá tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã giải quyết 71.276 hồ sơ đúng hạn, đạt tỷ lệ đến 97,54%. Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá qua hệ thống phần mềm thì có đến 99,83% hài lòng khi nộp hồ sơ và 99,91% hài lòng khi trả kết quả hồ sơ. 

Có được những con số trên, ngoài sự nỗ lực, làm việc hết sức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức của TTHCC thì công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của TTHCC đóng một vai trò không nhỏ. Ngay từ đầu, trung tâm đã sử dụng phần mềm giải quyết thủ tục hành chính egov trong tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tích hợp các chức năng như: tra cứu kết quả, tình hình giải quyết thủ tục hành chính thông qua số biên nhận hồ sơ, mã vạch và mã QR Zalo qua website, Zalo, tổng đài dịch vụ công 1022; tích hợp tin nhắn SMS, ZMS (tin nhắn của Zalo) để thông báo tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thông báo số tiền phí, lệ phí, thuế (nếu có) để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện nghĩa vụ tài chính; thực hiện biên lai điện tử; tích hợp phần mềm thu phí, lệ phí trên phần mềm... 

Trung tâm còn sử dụng Zalo để cung cấp các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp như: tra cứu kết quả, tình hình giải quyết thủ tục hành chính (qua biên nhận hồ sơ, quét Mã QR) tại Official Account cổng hành chính công tỉnh Đồng Nai; cung cấp thông tin thủ tục hành chính, các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến thủ tục hành chính của UBND tỉnh; cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc; tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến thủ tục hành chính, các lĩnh vực người dân quan tâm nhiều hiện nay (xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả…) tại Official Account tổng đài dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Nai.

Đánh giá về vai trò của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của TTHCC tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: Đồng Nai coi CNTT là giải pháp thiết yếu để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công nên ngay từ đầu tỉnh đã có định hướng phát triển TTHCC trên nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu, vận hành trực tuyến. Việc này giúp cải tiến phương thức phối hợp giữa các cơ quan, giảm thiểu chi phí vận hành cố định. Nhờ đó, đến nay đã quản lý việc tiếp nhận - xử lý hồ sơ về thủ tục hành chính toàn bộ qua phần mềm một cửa điện tử liên thông suốt 3 cấp tỉnh - huyện - xã. Và từ tháng 7-2017 đã kết nối hệ thống camera giám sát tập trung tại TTHCC và bộ phận một cửa các huyện, xã; qua đó có thể giám sát trách nhiệm của từng công chức.