Tăng tuyên truyền để nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến

|

Việc đến khu phố, ấp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là cần thiết. Nhưng về lâu dài, cần tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích và tự thao tác tại nhà để nộp hồ sơ qua mạng.\r\n

Công chức quận 4 tư vấn cho người dân nộp hồ sơ qua mạng. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Đến tận khu phố tư vấn 

Bình Tân là quận có dân số đông nhất của TPHCM, với hơn 765.000 người dân sinh sống trên diện tích hơn 5.200ha. Đây cũng là địa phương được đánh giá cao trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, mỗi năm quận tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu hồ sơ hành chính. Theo ông Thinh, trước đây việc xử lý hồ sơ giống như “hộp đen”, không ai giám sát được là đang giải quyết tới đâu, vướng mắc ở khâu nào.

Nếu thực hiện theo cách thủ công thì không chủ tịch quận, chủ tịch phường nào có thể quán xuyến hết số lượng hồ sơ này. Hệ lụy là có những vấn đề chính quyền không đáp ứng được yêu cầu của dân, thậm chí gây khó khăn cho người dân. “Cho nên, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát quy trình giải quyết hồ sơ là rất cần thiết. Từ thực tế đó, năm 2016 chúng tôi mày mò làm, rất khó vì chưa có tiền lệ, cũng không có kinh phí”, ông Thinh kể lại quá trình bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến (từ tháng 10-2016).

Khi đó, quận bắt đầu cung cấp trực tuyến mức độ 3 với 20 thủ tục. Kết quả, cả quý chỉ có gần 4,3% hồ sơ tham gia. Quận bàn bạc, phân tích và xác định nguyên nhân là do người dân chưa quan tâm đến việc làm hồ sơ trực tuyến. Vậy là, trong năm 2017, quận lập các tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại quận và 10 phường. Các tổ này bên cạnh việc tuyên truyền còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ vậy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được nâng lên hơn 27%.

Cuối năm đó, mô hình tổ tư vấn được mở rộng đến tận 130 khu phố trên toàn quận, với lực lượng nòng cốt là các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên am hiểu về công nghệ thông tin. Đến nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt hơn 51%, còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt gần 99%. Trước kết quả này, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, bày tỏ hoan nghênh và cho rằng các địa phương khác cần nghiên cứu, nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Dân vẫn phải đến phường nhờ làm giúp

Theo Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM, số lượng thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn thành phố ngày càng được mở rộng và được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến TPHCM cung cấp là 807 dịch vụ (gồm 691 dịch vụ mức độ 3 và 116 dịch vụ mức độ 4). Tính đến hết tháng 2-2019, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp là gần 1.000.850 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ nộp trực tuyến (mức độ 3, 4) gần 413.00 hồ sơ, đạt 41%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp, đặc biệt tại một số cơ quan, đơn vị thì tỷ lệ này chỉ đạt vài phần trăm.

Thực tế, các địa phương đã có nhiều cách làm nhằm “tiếp thị” và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Như ở quận 7 - nơi có nhiều chung cư - thì nội dung này được lồng ghép vào mỗi cuộc họp chung cư. Các tài liệu tuyên truyền cũng được niêm yết khắp các chung cư trên địa bàn. Thậm chí, khi các trường học tổ chức cuộc họp phụ huynh đầu cấp, quận cũng “tranh thủ” tuyên truyền. Song, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Trong khi đó, đại diện quận Gò Vấp cho biết, tỷ lệ hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến mức độ 3 ở quận hiện đạt gần 37% nhưng “cũng trầy trật lắm”. Đặc biệt, tại quận 1 - là “cái nôi” của những mô hình, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến - thì tỷ lệ này hiện cũng chỉ đạt khoảng 30%.

Ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ  Việt Nam TPHCM, cho biết qua khảo sát việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về hộ tịch ở một số phường xã cho thấy, có những phường, tỷ lệ hồ sơ hộ tịch trực tuyến mức độ 3 đạt 36%. Tuy nhiên, trong đó chỉ 30% người dân tự thực hiện, còn lại 70% người dân phải tới tận phường rồi cán bộ vừa hướng dẫn vừa giúp nhập vào máy. “Người dân không phải thờ ơ, nhưng đối với nhiều người lớn thì việc thực hiện thao tác trên máy là quá khó”, ông Thạch nhận xét. Bởi vậy, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ lưỡng từng thao tác để người dân tự tin nộp hồ sơ qua mạng.

Góp ý thêm, ông Trương Văn Lắm cho rằng, việc tổ chức điểm hỗ trợ người dân nộp hồ sơ qua mạng là cần thiết. Tuy nhiên, các tổ tư vấn ở khu phố, ở ấp không thể tồn tại mãi, vì đây không phải cấp chính quyền giải quyết thủ tục hành chính. “Do đó, điều quan trọng là làm sao qua những lần hỗ trợ, tuyên truyền, việc hướng dẫn giúp người dân nắm được quy trình, cách thức và tự thực hiện được, chứ không phải để người dân thay vì đến phường, đến xã thì nay đến khu phố, đến ấp cho gần. Không phải như vậy”, ông Lắm nhấn mạnh.

Trang bị phương tiện bằng nguồn xã hội hóa

Trong 7 giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở quận Bình Tân, đáng chú ý là việc trang bị bộ phương tiện (máy vi tính, máy in và máy scan) ở các cơ quan đơn vị của quận và UBND 10 phường. Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, những hoạt động này không lấy từ ngân sách mà từ xã hội hóa. Ngoài ra, năm nào quận cũng tổ chức cuộc thi về cải cách hành chính để khuyến khích các sáng kiến, giải pháp hiệu quả nhất, động viên khen thưởng cho cán bộ công chức tham gia tốt.