TPHCM quyết tâm cải thiện chỉ số PAPI

|

Ngày 29-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu chủ trì hội nghị trực tuyến trao đổi giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn TPHCM.\r\n

Hội nghị trực tuyến do Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chủ trì
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện TPHCM và các chuyên gia đến từ Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam – đơn vị phối hợp triển khai PAPI.

Năm 2019, TPHCM xếp hạng PAPI thứ 31/63 tỉnh thành, với 43,79 điểm. Theo bà Catherine Phuong, Trợ lý Ban Giám đốc, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mặc dù đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng so sánh với địa phương có chỉ số tốt nhất cả nước và so với mục tiêu mà TPHCM đặt ra, TP có thể tăng tốc và cải thiện hơn nữa.

Theo bà Catherine Phuong, 3 lĩnh vực TPHCM cần tập trung là kiểm soát tham nhũng khu vực công, quản trị môi trường và sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở.

Phân tích cụ thể hơn, bà Đỗ Thanh Huyền, thạc sĩ, chuyên gia phân tích chính sách quản trị và tham gia, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao những nội dung thành phần đã được cải thiện đáng kể, như nội dung về đóng góp tự nguyện ở địa phương, người dân cho biết được lấy ý kiến, bàn bạc và tham gia quyết định vào các khoản đóng góp này.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phân tích các chỉ số PAPI
Tuy nhiên, bà Đỗ Thanh Huyền cũng lưu ý khi nhiều người cho biết phải chung chi, hoặc nhờ “cò” khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng.

Liên quan việc này, đại diện Sở Xây dựng cho biết thủ tục cấp giấy phép xây dựng hiện khá đơn giản, gồm đơn xin cấp giấy, giấy chủ quyền nhà và bản vẽ. Trong số này, cái phức tạp nhất là bản vẽ, thì sở có giải pháp là sẽ đơn giản hóa, số hóa bản vẽ để cơ quan cấp phép xây dựng tương tác với người dân thông qua hệ thống phần mềm điện tử.

Tại hội nghị, đại diện nhiều sở ngành, quận huyện cũng thảo luận các giải pháp để cải thiện các chỉ số PAPI. Trong đó, Sở Y tế nêu mô hình ki-ốt khảo sát ý kiến bệnh nhân và người nhà tại các bệnh viện, từ đó ghi nhận và cải thiện chất lượng nhà vệ sinh, hoặc cải tiến nơi giữ xe, rút ngắn đáng kể thời gian chờ... Từ đó tăng sự hài lòng của người bệnh và thân nhân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Kết lại buổi làm việc, đồng chí Ngô Minh Châu đánh giá cao việc các sở ngành, địa phương sử dụng công nghệ, làm cho khoảng cách giữa cán bộ và người dân gần lại mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Theo đồng chí, đây là cách làm hiệu quả, giúp giải quyết công việc nhanh hơn, và giảm đáng kể việc tham nhũng. Năm 2020, TP đặt mục tiêu phấn đấu từ đầu năm là vào top 16, nhưng tại hội nghị này, đồng chí mong muốn các sở ngành, địa phương quyết tâm phấn đấu đưa TPHCM vào top 10 địa phương có chỉ số PAPI tốt nhất cả nước.

Đồng tình với ý kiến của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright, thành viên Ban Tư vấn PAPI; đồng chí Ngô Minh Châu cũng cho rằng, TPHCM với hơn 13 triệu dân, khối lượng công việc rất lớn, rất khó để làm được như những tỉnh chỉ có dưới 1 triệu dân.

“Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua, năm 2020 phải tốt hơn năm 2019”, đồng chí Ngô Minh Châu nhấn mạnh.

Theo đồng chí, thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy các nội dung mà người dân hài lòng, như cung ứng dịch vụ công và thủ tục hành chính (đạt trên 7 điểm); đồng thời khắc phục các chỉ số dưới 5 điểm như sự tham gia của người dân ở cơ sở, quản trị điện tử, quản trị môi trường và một số chỉ tiêu cần ưu tiên cải thiện như kiểm soát tham nhũng, trách nhiệm giải trình.

Đồng chí giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành trong việc cải thiện các cổng thông tin điện tử thành nơi trao đổi thông tin hai chiều; đề nghị MTTQ cùng các đoàn thể phối hợp giám sát, ghi nhận ý kiến của người dân để giúp UBND TP điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI.