Mở các kênh tương tác lắng nghe người dân phản ánh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

|

Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM yêu cầu, các cơ quan, đơn vị có liên quan mở các kênh tương tác để lắng nghe phản ánh của người dân với chính quyền. Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tránh gây phiền hà, tránh làm xáo trộn những việc không cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và đời sống người dân.

Chiều 20-8, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM, trong giai đoạn 2023 - 2030 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo; và các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí, mặc dù đây không phải là công việc mới, nhưng luôn là công việc nhạy cảm, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cũng như ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, đời sống của người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Thời gian qua, TPHCM đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, đúng yêu cầu Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 117 của Chính phủ.

Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND TPHCM và các cơ quan chức năng đã hoàn chỉnh những dự thảo quan trọng, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác sắp xếp ĐVHC, Ban Chỉ đạo yêu cầu, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản, đề án liên quan, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bị ảnh hưởng do sắp xếp ĐVHC.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, tham mưu để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến sắp xếp, xử lý tài sản công, nhằm đảm bảo việc bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công dôi dư được thực hiện hiệu quả.

Các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát phải chủ động xây dựng chương trình giám sát chặt chẽ, lắng nghe ý kiến và phản biện xã hội để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người dân sau khi sắp xếp.

Ban Chỉ đạo và Ban Điều hành cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh tại các quận có ĐVHC thuộc diện sắp xếp. Sở Nội vụ TPHCM sớm hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 bảo đảm đúng tiến độ để TPHCM trình Chính phủ.

Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý, việc quan tâm sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại các ĐVHC sau sắp xếp, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với việc sắp xếp số lượng lớn ĐVHC cấp xã, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, tư tưởng, và lắng nghe phản ánh của người dân, đảm bảo việc thực hiện sắp xếp không gây phiền hà và không ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân.

Cụ thể, các cơ quan có liên quan phải nhanh chóng lắng nghe, xử lý những vướng mắc phát sinh, nhất là trong thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, mở các kênh tương tác để lắng nghe phản ánh của người dân với chính quyền trong quá trình thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính có liên quan.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tránh gây phiền hà, tránh làm xáo trộn những việc không cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và đời sống người dân.

Quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ dư dôi

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo đánh giá, UBND TPHCM đã làm tốt công tác truyền thông về chủ trương sắp ĐVHC chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Trung ương, cũng hướng dẫn các địa phương trong quá trình xây dựng đề án.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Nội vụ TPHCM có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban của HĐND TPHCM trong tham mưu tờ trình trình HĐND TPHCM về các chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư liên quan công tác sắp xếp. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương sử dụng trụ sở dôi dư đúng mục đích sau sắp xếp, không để dôi dư, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Trần Kim Yến phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của UBND TPHCM là sẽ giao cơ sở vật chất của các ĐVHC thực hiện sắp xếp cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó, sau sắp xếp dự kiến sẽ dôi dư 728 cán bộ, thành phố sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần trong 3 – 5 năm. UBND TPHCM cũng xây dựng chính sách với những trường hợp không bố trí được vị trí khác hoặc cán bộ có mong muốn nghỉ.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhìn nhận công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ có ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, UBND TPHCM sẽ có hướng dẫn để chuyển tiếp những trường hợp cần điều chỉnh hồ sơ. Trong đó, có loại hồ sơ cơ quan nhà nước phải tự điều chỉnh, hoặc người dân khi có nhu cầu giao dịch thì nhân tiện đó cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh thông tin.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Thành phố không có chủ trương mời người dân lên một lượt tất cả các giao dịch, tất cả các hồ sơ, vì điều đó rất khó cho người dân. Việc điều chỉnh này, quan điểm chung của thành phố là không thu bất cứ phí gì liên quan”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định và thông tin thêm, thành phố sẽ cố gắng để ít làm xáo trộn, ít ảnh hưởng đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp nhất có thể.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 của TPHCM (gọi tắt là Đề án), việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương và TPHCM. Việc sắp xếp nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.

Đồng thời, đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền hiện hữu; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững.

Bên cạnh đó, giải quyết các bất cập trong công tác quản lý địa giới hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Đông Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng.

Theo đề án sắp xếp, TPHCM có 80 phường (thuộc 10 quận) thuộc diện sắp xếp. Sau sắp xếp còn 38 phường (giảm 39 phường). Dự thảo Đề án nhận định việc sắp xếp ĐVHC là thực sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các ĐVHC có liên quan. Đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đúng theo quy định, phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.