Giảm thủ tục hành chính cho chuyển giao, đổi mới công nghệ

|

Bộ KH-CN đang tiến hành lấy ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP (ngày 15-5-2018) của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2017.

Theo Bộ KH-CN, sau 6 năm thực hiện, Nghị định 76 đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Số liệu của Bộ KH-CN cho biết, từ tháng 7-2018 đến hết năm 2023, cả nước có 579 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ).

Trong đó, có 493 hợp đồng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc đối tượng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản, Thụy Sĩ); số còn lại là hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước.

Đó là những con số còn tương đối khiêm tốn, chưa như kỳ vọng khi Luật Chuyển giao công nghệ được ban hành và Nghị định 76 đi vào thực tế. Bởi trong quá trình triển khai, đã diễn ra một số tồn tại hạn chế về đăng ký và hoạt động chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao chưa rõ ràng; quy định thủ tục hành chính, các chính sách, biện pháp thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH-CN còn chưa thực sự hiệu quả…

Để sửa đổi Nghị định 76 phù hợp với thực tế, Bộ KH-CN đang nghiên cứu sửa đổi 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao; từ đó sửa đổi, bổ sung các nhóm công nghệ cao và 9 nhóm công nghệ ở các lĩnh vực cụ thể, chi tiết hơn.

Theo đại diện Bộ KH-ĐT, cần làm rõ mục đích sửa đổi nghị định; đồng thời, khảo sát từ phía doanh nghiệp để đánh giá thực tế tình hình chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất sửa đổi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76 phải bám sát vào Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và một số luật, văn bản luật liên quan; thực hiện điều chỉnh 3 danh mục công nghệ đảm bảo luận cứ về khoa học và thực tiễn để nghị định triển khai hiệu quả, thể hiện được đóng góp của KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua ứng dụng KH-CN.

Tất cả với mục tiêu cao nhất là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH-CN; giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp làm chủ và phát triển công nghệ cao.