Quy chuẩn hướng dẫn về truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư

|

NDO - Bộ quy chuẩn Hướng dẫn về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho lao động di cư nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân và cộng đồng đưa ra quyết định di cư lao động sáng suốt. Công cụ có thể dùng trong triển khai những hoạt động hỗ trợ lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư quốc tế an toàn và hiệu quả.

Văn phòng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam đã phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã xây dựng Bộ quy chuẩn Hướng dẫn về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho lao động di cư (sau đây gọi tắt là Bộ quy chuẩn).

Bộ quy chuẩn cung cấp những kiến thức và thông tin về phương thức truyền thông cộng đồng, xây dựng, giám sát và đánh giá chiến lược truyền thông cũng như hướng dẫn những kỹ năng cơ bản về truyền thông.

Qua đó, thông tin về Bộ quy chuẩn cần được lan tỏa, phổ biến đến các cơ quan hữu quan và cán bộ đang công tác trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương.

Với mục tiêu khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương đưa ra quyết định di cư lao động sáng suốt, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư Liên hợp quốc - đã phối hợp triển khai hoạt động ưu tiên liên quan đến nâng cao năng lực về truyền thông di cư lao động an toàn thông qua việc xây dựng Bộ quy chuẩn này.

Đối tượng hưởng lợi chính của hoạt động này là các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương. Cụ thể như: các cán bộ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về lĩnh vực di cư lao động các cấp (Trung ương và địa phương đến cấp huyện); cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, phòng việc làm; trung tâm dịch vụ việc làm; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện.

Bộ quy chuẩn được xây dựng dựa trên tài liệu hướng dẫn truyền thông cộng đồng do IOM phát hành năm 2020, các yêu cầu thực tiễn của truyền thông và đặc điểm lao động di cư Việt Nam.

Tài liệu gồm 4 phần chính. Trong đó, cung cấp các khái niệm và phương thức truyền thông cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, các cách lập kế hoạch và xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp với tình hình của từng địa phương cũng như bài học kinh nghiệm từ chiến dịch truyền thông sáng tạo rất thành công của IOM thời gian vừa qua.

Bộ quy chuẩn được biên soạn theo thể thức đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn để có thể tra cứu được và áp dụng trong việc lập kế hoạch truyền thông và tổ chức thực hiện ở các cấp hằng năm.

Tài liệu cũng giới thiệu các công cụ, thí dụ mẫu điển hình phù hợp với tình hình thực tế chung ở địa phương để tiện sử dụng cho việc đào tạo rộng rãi, xây dựng mạng lưới cán bộ truyền thông cơ sở dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính quy chuẩn bài bản để có thể sử dụng lâu dài.

Ban soạn thảo mong rằng, Bộ quy chuẩn sẽ là công cụ hữu hiệu có thể sử dụng trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư quốc tế an toàn và hiệu quả.

Bộ quy chuẩn được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ.

Theo Bộ quy chuẩn, các chiến dịch truyền thông cộng đồng về di cư nhằm đạt được năm mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, thông tin và tư vấn cho người di cư tiềm năng về những rủi ro và thực tế phức tạp của di cư trái phép.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của cộng đồng về người di cư và vấn đề di cư để ngăn chặn thông tin sai lệch và định kiến.

Thứ ba, thông tin về các dịch vụ hợp pháp và các trợ giúp sẵn có dành cho người di cư.

Thứ tư, phòng, chống mua bán người và các nguy cơ khác.

Thứ năm, khuyến khích thay đổi hành vi để cải thiện chất lượng cuộc sống, mức độ hài lòng và ngăn ngừa tác hại của việc nhận thức chưa đầy đủ về di cư an toàn.

Cơ quan tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông có thể là chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan Liên hiệp quốc, cộng đồng địa phương hoặc sự phối hợp các bên có liên quan.

Thực tế cho thấy, các nguồn thông tin và đơn vị đưa tin ra cần phải được tin cậy như bộ phận Thông tin truyền thông của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực di cư, các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, bộ phận truyền thông của các cơ quan Liên hợp quốc như IOM, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Các thông điệp đưa ra phải là những thông tin chính thống trong khuôn khổ pháp luật, hoặc các khuyến nghị chính thức dựa trên các đánh giá được đúc rút từ thực tiễn của các cơ quan, tổ chức có chức năng trong lĩnh vực di cư nói trên.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được một số thành tựu trong thời gian qua. Hiện nay, có hơn 600 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc.

Địa bàn làm việc của người lao động tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so làm việc trong nước cùng ngành-nghề. Lao động gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ/năm.

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2019, lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng dần các năm, đạt kỷ lục vào năm 2019 với gần 148 nghìn người.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong hai năm 2020-2021, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm mạnh về số lượng. Số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.

Từ đầu năm 2022, lĩnh vực này đã ghi nhận mức tăng trở lại. Qua 8 tháng đầu năm 2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81 nghìn người, bằng 90% kế hoạch năm 2022.

Ước tính, tới hết năm nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105 nghìn, vượt mục tiêu 90 nghìn người đề ra trong năm.