Ngành công thương TPHCM: Triển khai chương trình, đề án an toàn thực phẩm

|

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về an toàn thực phẩm (ATTP), ngành công thương TPHCM đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng đưa hàng loạt chương trình, đề án vào cuộc sống.

Kinh doanh rau tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. Ảnh: Quốc Sơn
Đa dạng các chương trình, đề án 
TPHCM là đô thị có mật độ dân số lớn nhất cả nước nhưng khả năng tự sản xuất và cung ứng các loại thực phẩm chỉ chiếm từ 20% - 25% nhu cầu, hơn 70% sản lượng thực phẩm còn lại phải dựa vào nguồn cung từ các tỉnh, thành khác. 
Để kiểm soát đầu vào chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nhiều năm qua, TPHCM đã xây dựng và triển khai hàng loạt chương trình, dự án về ATTP. Có thể kể đến như mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP; hoạt động triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”; thông tin giáo dục, truyền thông về ATTP; hoạt động lấy mẫu giám sát, thanh tra, kiểm tra ATTP; quản lý và cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, TPHCM còn triển khai các đề án phát triển ngành chăn nuôi; chương trình hợp tác công thương với các tỉnh, thành; chương trình kết nối cung cầu hàng hóa… Với cách làm này, TPHCM đã trở thành địa phương tiên phong của cả nước trong việc xây dựng và thực hiện các vấn đề liên quan đến ATTP.
Về phát triển hệ thống kinh doanh, quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, mô hình chợ ATTP, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị xây dựng dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” và đang trình UBND TPHCM phê duyệt. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân. 
Song song với quá trình xây dựng dự án, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng khảo sát và đánh giá điều kiện ATTP tại một số chợ trên địa bàn TP theo bộ tiêu chí của mô hình. Trên cơ sở kết quả khảo sát, sở đã trình và được UBND TP chấp thuận cho phép tổ chức triển khai thí điểm mô hình chợ bảo đảm ATTP tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Thực hiện Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 15-8-2016 của UBND TPHCM, Sở Công thương cũng đã triển khai đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (thuộc dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP). Đến nay, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đăng ký tham gia đề án gồm 60 cơ sở chăn nuôi (hơn 1.000 trang trại) với sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày; 18 cơ sở giết mổ gia súc; 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo, 4 chợ bán lẻ và 338 điểm bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối hiện đại. Toàn bộ các hệ thống lớn trên địa bàn TP cũng đã đăng ký tham gia.
Đối với đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, để hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc triển khai và phát triển đề án, sở phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện việc góp ý, xây dựng dự thảo các văn bản về triển khai theo đề nghị của ban quản lý đề án. Cụ thể, góp ý, xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016- 2020; góp ý, xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện đề án thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại TPHCM và ký kết giữa UBND TPHCM với UBND các tỉnh, thành phố khác trong việc phối hợp quản lý, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ nguồn nông sản thực phẩm từ các tỉnh đưa về TPHCM tiêu thụ.
Bên cạnh việc tổ chức triển khai các chương trình, đề án, sở cũng thường xuyên tuyên truyền; hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP, tổ chức phổ biến xác nhận kiến thức ATTP cho 1.012 doanh nghiệp (DN) với 9.144 người tham dự; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Ban quản lý chợ, ban giám đốc siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu đảm bảo ATTP, tổ chức loa tuyên truyền và tăng cường tần suất lấy mẫu phân tích, giám sát với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao trong các tháng cao điểm. 
Cần các quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm
Nhìn nhận về kết quả thực hiện các việc trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết do thường xuyên phối hợp và triển khai các hoạt động quản lý ATTP nên đã nâng cao được ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở, nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn; kịp thời ngăn chặn, thu giữ và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc đang lưu thông trên thị trường... Theo đó, công tác truyền thông được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; đặc biệt vào các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP… đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất - kinh doanh, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm trên thị trường.
Sở Công thương cũng tổ chức phổ biến hướng dẫn triển khai đến UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan thực hiện Thông tư số 57/2015/TT-BCT của Bộ Công thương về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn các quận, huyện. Việc phân cấp quản lý đối với hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ATTP. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương đã góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, không đảm bảo ATTP; đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, nước giải khát, sữa chế biến… lưu thông trên thị trường. 
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chưa được toàn diện, chuyên sâu; có lúc chưa chủ động, còn cần sự phối hợp của ngành y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan.
Để công tác kiểm tra, giám sát về ATTP đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thực phẩm để làm cơ sở cho việc công bố hợp quy, phù hợp quy định và căn cứ để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP. UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP; giúp nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ các thông tin. 
Tổ chức các chương trình, đề án nhằm mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho người dân TP là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các sở, ngành chức năng tại TPHCM. Nhưng để tự bảo vệ mình, người dân TP cần nâng cao ý thức trong tiêu dùng, chỉ lựa chọn những thực phẩm được đóng gói, có ghi đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, thời điểm sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng… Đây cũng là điều mà các sở, ngành chức năng mong muốn nhằm góp phần đẩy lùi các loại thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Trong năm 2016, Sở Công thương đã tiếp nhận 1.427 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kết quả, sở đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 1.301 hồ sơ và từ chối cấp 126 hồ sơ.

Về cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, sở đã tiếp nhận và cấp giấy xác nhận cho 16 hồ sơ. Công tác cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, trong năm 2016, tiếp nhận mới 1.199 hồ sơ đề nghị xác nhận kiến thức về ATTP với 13.548 đối tượng đăng ký. Trong đó, đã xác nhận và cấp 1.012 giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 9.144 đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; từ chối xác nhận kiến thức 187 hồ sơ do đăng ký không hợp lệ.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Công thương đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 77 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, có 24 cơ sở không vi phạm, 33 cơ sở vi phạm, ngừng hoạt động 4 cơ sở, 11 cơ sở không tìm thấy địa điểm thực tế… Tổng số tiền xử phạt gần 850 triệu đồng.

Năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TP đã kiểm tra chuyên ngành 649 vụ; trong đó sản xuất 79 vụ (chiếm tỷ lệ 12,1%), kinh doanh 553 vụ (85,2%), dịch vụ ăn uống 17 vụ (2,6%). Số vụ vi phạm 588 vụ (chiếm 90,6% trên tổng số cơ sở kiểm tra); trong đó vi phạm về sản xuất 68 cơ sở (11,5% trên tổng số cơ sở vi phạm), kinh doanh 477 cơ sở (81,1%), dịch vụ ăn uống 13 cơ sở (0,22%). Tổng số tiền xử phạt gần 3,5 tỷ đồng. Hàng hóa phần lớn là thực phẩm ngoại nhập lậu, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và không có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP...

Ðối với hoạt động liên ngành, đã phối hợp với các quận, huyện kiểm tra 3.379 vụ, phát hiện 1.945 vụ vi phạm, chiếm tỷ lệ 58%.