Năm 2018, ngành công thương phấn đấu tăng truởng 8% - 12%

|

Vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành đã có buổi làm việc với Sở Công thương về tình hình triển khai nhiệm vụ công tác và các giải pháp trọng tâm năm 2018. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, ngành công thương giữ vai trò trọng yếu trong việc triển khai, thực hiện các chương trình chủ lực của TPHCM, thể hiện qua việc đóng góp tới 79% mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2017.
Do vậy, những chỉ tiêu của ngành này đưa ra sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chung của toàn TP trong năm 2018. 
Năm 2018, Sở Công thương TPHCM xác định phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng thành phố giao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 8% - 8,5% so với năm 2017; trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu cả nước tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố, (không tính dầu thô) phấn đấu tăng 10%; điện thương phẩm đạt 23,8 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm còn 4,04%; kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước…
Sản xuất thực phẩm chế biến tại SATRA. Ảnh: CAO THĂNG    
Trên cơ sở xác định 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ TPHCM và là năm TPHCM triển khai thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của TPHCM, Sở Công thương xác định có 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong năm 2018. Một là, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh, như triển khai chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu DN của thành phố; tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu lần thứ 2, làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh; gặp gỡ DN để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ; tham mưu UBND TP tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với DN trong tháng 3-2018; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phấn đấu đến tháng 6-2018, có 100% thủ tục áp dụng dịch vụ công mức độ 3, 4. 
Hai là, triển khai giải pháp phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ (dự kiến vận hành trong quý 2-2018); phối hợp chủ đầu tư các KCX-KCN, Ban Quản lý các KCX-KCN, các hội ngành nghề hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DN công nghiệp hỗ trợ TP. Phát triển thị trường, kết nối cung - cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như tổ chức “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ” (tháng 3); triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ (tháng 9); mở rộng, nâng cấp Trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ với các địa phương (Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang...).
Ba là, triển khai giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ hội nhập quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu và logistics. Về thương mại điện tử, sở đẩy mạnh truyền thông các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử tiên tiến, hữu dụng cho DN nhỏ và vừa; đồng thời, tuyên truyền cho người tiêu dùng những kỹ năng giao dịch thương mại điện tử an toàn. Triển khai các giải pháp “dẫn dắt thị trường” thông qua việc tổ chức bình chọn DN ứng dụng thương mại điện tử tiêu biểu và tổ chức các chương trình khuyến mại trực tuyến uy tín để định hướng thị trường. 
Về hỗ trợ hội nhập quốc tế, tập trung tuyên truyền về xuất xứ hàng hóa cho DN, dự kiến tổ chức 4 buổi tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu và trọng tâm về hội nhập kinh tế quốc tế đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Việt Nam - châu Âu, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương… giúp DN nắm bắt và tận dụng được những ưu đãi từ các FTA. Xây dựng hệ thống thông tin chi tiết, chuyên sâu về mặt hàng, thị trường, dịch vụ… trong các FTA để cung cấp, tư vấn cho DN, hội ngành hàng tìm kiếm thị trường, đối tác, pháp luật của các nước, thuế quan, rào cản thương mại. Mặt khác, sở sẽ triển khai 35 chương trình xúc tiến thương mại; trong đó có 7 chương trình xúc tiến thương mại quốc tế theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ DN phát triển thương hiệu đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Trong lĩnh vực thương mại - xuất nhập khẩu - logistics, sở triển khai mô hình sàn giao dịch hàng hóa tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, hỗ trợ DN bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển để đến năm 2025-2030, hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường bán lẻ TPHCM gắn với sản xuất tạo sức cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ quốc tế”.
Triển khai Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP đến năm 2030; trong đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các trung tâm hội chợ, triển lãm, logistics trên địa bàn. Trình UBND TP đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo trên cơ sở xác định các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của TP; đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Căn cứ chỉ đạo của UBND TPHCM, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Sở Công thương TPHCM đã và đang triển khai thực hiện các kế hoạch cụ thể sau:
1. Kế hoạch số 11873/KH-SCT ngày 26-12-2017 của Sở Công thương về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.
2. Văn bản số 391/SCT-KHTCTH ngày 16-1-2018 của Sở Công thương về triển khai các nhiệm vụ thường xuyên theo Kế hoạch số 8127/KH-UBND ngày 29-12-2017 của UBND TPHCM về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. 
3. Kế hoạch số 11872/KH-SCT ngày 26-12-2017 của Sở Công thương về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018.
4. Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2018 của Sở Công thương.
5. Quyết định số 1075/QĐ-SCT ngày 13-12-2017 của Sở Công thương về phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018.
6. Kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP năm 2018.
7. Kế hoạch tổ chức “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018”.
8. Tiếp tục triển khai các nội dung trọng tâm theo các kế hoạch, nhiệm vụ đã ban hành:
- Quyết định số 6727/QĐ-UBND ngày 29-12-2017 của UBND TPHCM về phê duyệt dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TPHCM. 
- Kế hoạch số 13631/KH-SCT ngày 15-12-2016 của Sở Công thương về triển khai thực hiện các chương trình đột phá của TP thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
- Kế hoạch số 13857/KH-SCT ngày 20-12-2016 của Sở Công thương về triển khai thực hiện Quyết định số 5792/QĐ-UBND ngày 3-11-2016 của UBND TP ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Kế hoạch số 9439/KH-SCT ngày 26-8-2016 của Sở Công thương về triển khai thực hiện Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 1-8-2016 của UBND TP về triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
- Kế hoạch số 9647/KH-SCT ngày 1-9-2016 của Sở Công thương về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM.
Ngoài ra, từng phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở đều đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 báo cáo ban giám đốc sở và triển khai đến từng cán bộ công chức.