Bảo vệ giá trị tạo ra từ tài sản trí tuệ

|

Vấn nạn làm nhái, giả mạo thương hiệu nổi tiếng đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Bởi thiệt hại vô hình và hữu hình do bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chẳng khác nào bị những cơn sóng ngầm âm ỉ bào mòn, hủy hoại doanh nghiệp một cách đáng sợ, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, trong nước hay nước ngoài. 

Điều này đã được chính các doanh nghiệp, chuyên gia phản ánh rất nhiều tại hầu hết cuộc họp lớn nhỏ.

Cách nay ít ngày, tại một cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, giám đốc một đơn vị chuyên sản xuất bao bì, giấy các loại tại TPHCM, đã rất tâm tư khi ông nói rằng hàng chục năm qua, công ty của ông phải liên tục “chiến đấu” với hàng nhái. Vị lãnh đạo này chỉ ra rằng, tại các vùng quê ở nước ta, hàng dỏm bày bán tràn lan, sản phẩm thật và nhái đều đặt trên cùng một kệ hàng, giá bán giữa hàng thật và hàng giả chênh nhau không đáng kể.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, chia sẻ: “Thiệt hại kinh tế là chuyện đương nhiên, chưa thống kê hết, nhưng điều đáng lo chính là uy tín của doanh nghiệp. Sản phẩm thật bị đánh đồng với hàng kém chất lượng tới mức người tiêu dùng khó phân biệt”.

Đây cũng là trăn trở của hàng loạt thương hiệu lớn khác, điển hình như vụ Công ty cổ phần Vinamit (chuyên sản phẩm hoa quả sấy khô) chưa kịp đăng ký thương hiệu quốc tế nên bị đối tác phân phối cũ đăng ký mất. Tất nhiên, để theo đuổi vụ này, Vinamit đã phải mất 4 năm với chi phí tiêu tốn lên đến hàng tỷ đồng. Tương tự, các thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết; cà phê Trung Nguyên; kẹo dừa Bến Tre… cũng bị “cướp” thương hiệu do doanh nghiệp chủ quan, lơ là không đăng ký bảo hộ.

Cách đây vài ngày, tại một cuộc họp chuyên ngành về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí đã đưa ra nhận định, những giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ lệ phần trăm cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký bảo hộ và được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, ví dụ như Viettel, Vinamilk, Trung Nguyên… Tuy vậy, ông Đinh Hữu Phí cũng khuyến cáo, đã có nhiều bài học về việc mất nhãn hiệu ở nước ngoài, khiến hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường. Việc muốn lấy lại các nhãn hiệu bị mất sẽ rất khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, từ năm 2013 - 2017, có 38 đơn sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam được nộp qua hệ thống PCT và 523 đơn đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam được nộp qua hệ thống Madrid (hệ thống đăng ký qua Thỏa ước Madrid giúp một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể chỉ định bảo hộ cho nhiều quốc gia)...

Mặc dù số lượng đơn còn khiêm tốn, nhưng ông Đinh Hữu Phí nhìn nhận có thể coi đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài đã được cải thiện hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia, luật sư, trọng tài thương mại cũng lưu ý doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về thị trường dự định xuất khẩu, chẳng hạn như nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, quy định pháp lý, đối thủ cạnh tranh, kế hoạch mở rộng thị trường…

Thêm nữa, doanh nghiệp cũng nên tham gia vào các mạng lưới liên kết thương mại trong và ngoài nước; xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà nhâp khẩu, phân phối; đồng thời, tham vấn các luật sư, trọng tài thương mại khi cần thiết.