Tăng cường xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối

|

Từ ngày 12 đến 18-5, tại sảnh SCO4 - Aeon Mall Celadon Tân Phú (số 30 Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) diễn ra “Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Việt tại Aeon” năm 2018. \r\n

Aeon dành ra 50m² diện tích được thiết kế hiện đại, phù hợp với tổng thể chung của siêu thị, làm nổi bật khu vực trưng bày và gây chú ý cho khách hàng tham quan, mua sắm tại Aeon. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) còn được hỗ trợ kệ trưng bày cũng như kho chứa hàng tại siêu thị. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối.
      Trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp Việt tại AEON                  Ảnh: Ngọc Các
 Ưu tiên sản phẩm chất lượng và tiện dụng 
Sản phẩm trưng bày tại tuần này gồm những mặt hàng mới, trước đây chưa có mặt trong chuỗi siêu thị của Aeon, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Aeon đặt ra là vệ sinh an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm hợp lệ, chứng nhận tiêu chuẩn của từng ngành hàng, gồm 140 sản phẩm như thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn (trà, cà phê, gia vị, bánh kẹo, hải sản khô, nông sản khô đóng gói…); nông sản (rau củ quả, trái cây, ưu tiên các mặt hàng organic (hữu cơ); hàng gia dụng; thủ công mỹ nghệ, quà tặng (ưu tiên các sản phẩm truyền thống, tiện lợi, đem đến giá trị sống mới, gọn nhẹ). Có 16 DN Việt được chọn tham gia tuần lễ này, gồm DN tư nhân Long Thuận, Công ty TNHH MTV SX-TM Thực phẩm đồ uống Thanh Bình, Công ty Kiến Huy, Công ty cổ phần Việt Herbs, Công ty TNHH Kim Nghĩa, Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, Công ty TNHH Biotech Foods Việt Nam, Cơ sở Mật ong Võ Kiệt, Công ty cổ phẩn Đầu tư phát triển Á Long, Công ty  TNHH TM-SX Trại Việt, Công ty cổ phần XNK Sa Giang, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Sin, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, Công ty Liên doanh bột Quốc Tế. Đây là những DN thuộc hội viên Câu lạc bộ Xuất khẩu TPHCM (VEXA) và các DN mới có nhu cầu kết nối, tìm kiếm đối tác. Trong số các DN này cũng có nhiều đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của TPHCM năm 2018.  Ông Naohisa Saeki, Phó Tổng giám đốc Khối thu mua và vận hành Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết khi mới thành lập, Aeon tập trung giới thiệu các sản phẩm Nhật và văn hóa Nhật đến người Việt. Sau 5 năm, giờ đây Aeon sẽ giới thiệu các sản phẩm Việt. Nhiều DN Việt Nam đủ năng lực sản xuất các sản phẩm như vậy. Thông qua những chương trình, Aeon cố gắng giới thiệu nhiều hơn nữa các sản phẩm Việt. Theo ông Naohisa Saeki, điều kiện tiên quyết khi Aeon lựa chọn là sản phẩm phải an toàn, đúng theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định để người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm. Để ngày càng có nhiều người mua, DN Việt cần chú ý đến giá của sản phẩm phải hợp lý. Ngoài ra, sản phẩm không chỉ là tốt hay ngon mà còn phải mang đến những tiện ích mới cho cuộc sống người tiêu dùng. Chẳng hạn, hiện nay nhiều khách hàng là những phụ nữ trẻ, có con nhỏ nên sản phẩm tươi sống hay thực phẩm phải tạo sự dễ dàng trong chế biến. Để có thể đưa hàng Việt ra nước ngoài, các DN Việt phải không ngừng hoàn thiện về chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và thời gian hoàn thành đơn hàng…  Được biết, vào tháng 10-2017, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cũng tổ chức chương trình kết nối DN Việt Nam, đưa hàng hóa vào chuỗi hệ thống siêu thị Aeon, với 70 DN tham gia. Kết quả, 23 DN có hàng hóa đạt tiêu chuẩn, được tiến hành thương thảo các bước tiếp theo để ký hợp đồng cung ứng với Aeon. Hỗ trợ đào tạo kỹ năng Theo Bộ Công thương, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với Bourbon. Từ đó, các DN xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài ở Việt Nam. Trước đó, hàng Việt Nam tuy xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp qua mạng lưới phân phối những ngành hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số DN và giá trị kim ngạch. Từ thực tế đó, Bộ Công thương bắt đầu hình thành ý tưởng kết nối giữa hệ thống phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam với chính những DN xuất khẩu để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của họ tại thị trường châu Âu. Hoạt động này mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Đối với DN Việt Nam, trực tiếp tham gia mạng phân phối sẽ nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hãng hàng đầu thế giới, đồng thời có điều kiện phát triển thương hiệu. Đối với các chuỗi phân phối, việc tiếp xúc trực tiếp với các DN Việt Nam giúp phát triển phong phú thêm về nguồn hàng, tạo điều kiện kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Thêm vào đó, cả hai bên đều có lợi về giá thành thông qua giảm chi phí trung gian. Từ lần đầu tổ chức năm 2011 tại hệ thống siêu thị Casino (Pháp), đến nay, tuần lễ hàng Việt Nam tại nước ngoài đã được tổ chức tại các hệ thống khác như Metro, Segros (Pháp); Lotte, Emart (Hàn Quốc); AEON (Nhật Bản); Auchan, Carrefour (Pháp), Central Group (Thái Lan)… Hiệu quả từ các tuần hàng Việt Nam được tổ chức ở hệ thống phân phối nước ngoài là rất lớn. Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc AEON Topvalu cho biết, năm 2016, AEON đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất qua hệ thống siêu thị khắp thế giới. Phát huy những kết quả này, năm 2018, tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 7 và tháng 9 tới với  quy mô lớn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các bên gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.  Từ năm 2015, hệ thống Lotte Mart Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm kiếm DN đảm bảo các tiêu chí để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị của Lotte Mart. Trong năm 2016, hệ thống này nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam 1.300 tỷ đồng. Riêng giá trị hàng Lotte Mart tại Indonesia và Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 100 tỷ đồng. Những mặt hàng nhập khẩu bán được nhiều nhất là thủy sản, quần áo thời trang, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Năm 2017, Lotte Mart đã nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam đạt khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng nông sản và các sản phẩm chuyên dùng sinh hoạt hàng ngày, có chất lượng cao và giá bán tốt. Hiện Lotte Mart đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của từng nước để tăng lượng hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của Lotte Mart tại các nước. Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ Công thương sẽ tổ chức chuỗi hội thảo, trong đó tập trung đào tạo các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và khả năng tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài. Tại đây, DN xuất khẩu Việt Nam cũng được kết nối với các hãng phân phối nước ngoài để tìm hiểu về hệ thống thu mua của đối tác, các tiêu chí quy định đối với nhà cung ứng, cũng như hệ thống tiêu chuẩn riêng của từng hãng phân phối. Mặt khác, Bộ Công thương sẽ kết nối để thúc đẩy các DN phân phối FDI chuyển giao công nghệ, năng lực cho DN Việt Nam có đủ điều kiện để tham gia cung ứng vào chuỗi phân phối tại các nước.