Dễ tăng diện tích, khó tìm đầu ra

|

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM tiến hành nhiều đợt khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành để nắm bắt khả năng cung ứng hàng hóa, đặc biệt là quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới thực hiện việc phân loại, sơ chế đóng gói hàng nông sản tại nguồn. Kết quả cho thấy, quỹ đất để sản xuất theo chuẩn VietGAP là rất lớn, song một số hợp tác xã (HTX) chỉ sử dụng từ 50% - 60%, còn lại là sản xuất theo chuẩn an toàn. Nguyên nhân chính là do việc tìm đầu ra cho hàng VietGAP vẫn còn nhiều khó khăn.\r\n

Khó tăng sản lượng

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc HTX Susu Công Thành (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), nhìn nhận việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP là xu hướng tất yếu của thị trường.

Kể từ ngày 21-6-2016, HTX đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 100% diện tích 42ha, với sự tham gia của 13 thành viên và 207 hộ liên kết. Mỗi ngày HTX cung ứng từ 4 - 7 tấn hàng hóa, với 56 mặt hàng khác nhau, chủ yếu đưa vào 3 chợ đầu mối của TPHCM, số còn lại đưa xuống TP Cần Thơ, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và một số tỉnh phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Thành Công, việc tăng diện tích canh tác theo chuẩn VietGAP là không khó khăn vì hiện quỹ đất để sản xuất vẫn còn nhiều. Ngoài ra, việc sơ chế tại nguồn cũng thuận lợi. Vấn đề còn lại đầu ra ổn định cho hàng VietGAP vẫn là bài toán quá khó đối với HTX.

Ông Nguyễn Thành Công lý giải, 3 năm trước số lượng các HTX áp dụng VietGAP trong sản xuất còn khá hạn chế; nhưng gần đây, sản lượng hàng VietGAP tại tỉnh Lâm Đồng tăng mạnh; thêm vào đó, các vùng sản xuất tại khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận cũng đi theo quy trình VietGAP và áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên nguồn cung rất dồi dào, dẫn đến sản lượng của HTX đưa về TPHCM bị giảm.

Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) khảo sát thực tế tại một trang trại trồng rau thủy canh theo chuẩn VietGAP. Ảnh: Thu Quế
Hiện sản lượng đưa vào 3 chợ đầu mối chỉ chiếm 60% - 70% tổng sản lượng của toàn HTX. Đó là chưa kể giá bán hàng VietGAP trước đây tốt hơn, đã tạo động lực cho bà con chuyển đổi sản xuất, nhưng nay mức giá hàng VietGap cũng chỉ ngang bằng so với hàng thường nên nhiều xã viên không còn mặn mà để tăng sản lượng.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, cũng cho rằng đơn vị còn nhiều quỹ đất để phát triển quy mô sản xuất theo VietGAP, nhưng đến nay công ty vẫn bí đầu ra vì hiện nguồn hàng chủ yếu chỉ cung ứng cho các siêu thị, còn tại hệ thống chợ sỉ và lẻ của TPHCM chủ yếu bán hàng xá.

Theo ông Sơn, đơn vị sẵn sàng cung ứng rau VietGAP với mức giá chỉ nhích hơn từ 10% - 15%, tùy loại so với rau củ quả bán xá. Mặt khác, các doanh nghiệp (DN), HTX cung cấp rau theo dạng “gối đầu” và chấp nhận trả lại hàng nếu bán không hết.

Đổi lại, các tiểu thương cần bố trí khu vực bày bán hàng VietGAP riêng để tạo sự nhận biết cho người tiêu dùng. Nếu sức mua tốt, các HTX chấp nhận cung ứng với mức giá tốt nhất cho tiểu thương. Bản thân công ty cũng đến làm việc với một số chợ truyền thống tại TPHCM, đồng thời mở các điểm bày bán hàng VietGAP riêng, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Đại diện các HTX nông nghiệp của TPHCM như Phước An, Phú Lộc cũng cho rằng, hoàn toàn có khả năng tăng nguồn cung các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP nhưng tăng rồi thì không biết bán cho ai.

Khắc phục điểm yếu liên kết

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TPHCM), thời gian gần đây đơn vị đã tổ chức nhiều đợt khảo sát về sản xuất và khả năng cung ứng hàng nông sản tại các tỉnh, thành.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, các nhà vườn trồng xoài có thể kể vanh vách các tiêu chí về VietGAP, nhưng họ lại đặt vấn đề trồng theo VietGAP thì họ được lợi gì? Ai sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm cho họ?

“Tôi cho rằng, sau các buổi khảo sát, vấn đề chính để chúng ta phát triển chuỗi sản xuất sạch chính là phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu về liên kết”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Theo số liệu thống kê được Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đưa ra tại hội thảo “Nông sản hữu cơ, nông sản sạch: Liên kết giữa sản xuất và phân phối bán lẻ” tổ chức ở TPHCM ngày 9-8 vừa qua cho thấy, có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (hộ kinh doanh ở chợ, shop nhỏ lẻ, người bán lẻ ven đường…), 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng là cả con đường gian nan, trắc trở. Chúng ta còn phải xem xét nhiều mặt khó khăn vướng mắc trong việc liên kết sản xuất tiêu dùng.

Cần đặt vấn đề tại sao thời gian qua, chúng ta làm chưa thành công, chưa hiệu quả? Về phía nhà sản xuất, điểm yếu thường trực là quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được truyền thông thị trường, thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Người sản xuất không chủ động tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm mà thường phụ thuộc vào thương lái tự do và DN bao tiêu. Ngay như năng lực cạnh tranh thị trường cũng yếu từ mẫu mã cho đến bao bì. Đó là chưa kể, tình trạng mất niềm tin giữa sản xuất và tiêu dùng.

Người tiêu dùng thì không tin nhà bán lẻ, nhà sản xuất. Các nhà sản xuất thì không tin vào người tiêu dùng vì cho rằng người tiêu dùng chẳng có đủ tiền hoặc không có ý định tiêu dùng nông sản sạch hay nông sản hữu cơ có giá vốn cao hơn bình thường. Nếu không giải quyết tốt bài toán niềm tin, thì hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic sẽ rất khó phát triển.

Riêng tại TPHCM, để tạo điều kiện cho hàng VietGAP phát triển, bên cạnh việc tổ chức kết nối, ưu tiên cho DN đưa hàng hóa đạt chuẩn vào các hệ thống phân phối hiện đại, TPHCM cũng đồng thời triển khai thí điểm “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Trước mắt TPHCM chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh sự hạn hẹp về kinh phí trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ thì ý thức cũng như hành vi của tiểu thương cũng là vấn đề rất đáng bàn, bởi lẽ họ mới chính là chủ thể để thực hiện đề án chứ không phải ai khác.

Ngoài ra, tâm lý cũng như ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm để mua sắm sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai đề án.

Nếu mô hình phân phối rau VietGAP tại chợ Bến Thành thành công, sẽ nhân rộng đến 16 chợ loại 1 còn lại nhằm đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Nếu làm tốt, dự kiến tại mỗi chợ sẽ có từ 1 - 2 sạp rau VietGAP và tiếp tục nhân rộng khi nhu cầu tăng cao. 

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về tình hình sản xuất và thực hiện sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh việc triển khai sản xuất và phân phối các sản phẩm theo chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc có thể sẽ gặp khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian nhưng nếu chúng ta quyết tâm, chắc chắn sẽ làm được.

Mục tiêu lớn nhất của quy trình sản xuất sạch là nhằm cung ứng miếng ăn sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe và chất lượng giống nòi. Do vậy, DN bình ổn sẽ là những đơn vị tiên phong trong việc triển khai, thực hiện. TPHCM sẽ sát cùng DN để đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân TP.