Sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A

|

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi, đi qua huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội là tuyến đường hướng tâm thành phố, chạy theo trục dọc bắc-nam, kết nối Thủ đô với hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía nam thành phố. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi (Km185 -Km189) được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2010.

Năm 2012, 2013, Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội với diện tích hơn 92.670m2 và phần diện tích này đã được Ban quản dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội đầu tư xong, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Phần diện tích đất vướng mắc chưa giải phóng mặt bằng còn hơn 93.070m2 đất, liên quan 806 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây bức xúc cho người dân.

Anh Nguyễn Đức Khải, người dân sinh sống tại huyện Thường Tín chia sẻ, việc giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng theo kiểu “xôi đỗ”, gây ùn tắc, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Người dân mong muốn dự án sớm hoàn thành, giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản hằng ngày của người dân được thuận lợi.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì cho biết, nguyên nhân vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất của các xã gặp nhiều khó khăn.

Công tác quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp, như: đất được giao không đúng thẩm quyền, gồm có giấy tờ và không có giấy tờ, đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng...

Người dân bị thu hồi đất không đồng tình phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Tin liên quan
Gấp rút hoàn thành dự án nâng cấp Quốc lộ 1A

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đồng tình chấp thuận cho áp dụng một số chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo hướng có lợi nhất cho người dân.

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã điều chỉnh các phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức.

Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt 806 phương án của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức theo quy định.

Đến nay, có 718 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, còn 88 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã thành lập hai tổ tuyên truyền, vận động; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong, toàn bộ quy trình giải phóng mặt bằng dự án đã được triển khai trên tinh thần có lợi cho người dân bị thu hồi đất. Các tổ công tác cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng của người dân.

Tiến hành vận động người dân cho đến phút cuối cùng trước khi tổ chức cưỡng chế, thậm chí khi đã đọc lệnh cưỡng chế mà người dân đồng ý trả mặt bằng thì sẵn sàng điều kiện, hỗ trợ người dân tự bàn giao mặt bằng. Kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, cản trở tiến độ dự án.