Tổng cục Thống kê tổ chức Hội thảo Đề xuất phương pháp đo lường Kinh tế số ở Việt Nam

|

Tổng cục Thống kê tổ chức Hội thảo Đề xuất phương pháp đo lường Kinh tế số ở Việt Nam

Chiều ngày 31/7/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất phương pháp đo lường Kinh tế số ở Việt Nam”. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc, trực thuộc cơ quan TCTK. Buổi Hội thảo được kết nối trực tuyến tới 2 trường Cao đẳng Thống kê và chuyên gia trong nước, Tiến sỹ Bùi Trinh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, Kinh tế số là chỉ tiêu quan trọng và đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là một chỉ tiêu khó để đo lường và hiện vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào của Thống kê Liên Hợp quốc về việc tính chỉ tiêu này để áp dụng thống nhất trên toàn thế giới. Dựa vào khung lý luận ban đầu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các nước G20 và thực tiễn khảo sát trực tiếp, trực tuyến, qua các buổi trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (TKQG) đã nỗ lực nghiên cứu để đưa ra các nội dung về chỉ tiêu kinh tế số. Theo kế hoạch, trong năm nay, Tổng cục Thống kê sẽ công bố kết quả tính toán chỉ tiêu kinh tế số trong nền kinh tế quốc dân.

Để Hội thảo đạt hiệu quả, Tổng cục trưởng đề nghị các Vụ, các đơn vị tập trung góp ý chi tiết về phương pháp luận, phạm vi, cách tính, cách sử dụng nguồn dữ liệu, kết quả ban đầu; và mong được nghe những ý kiến đóng góp từ chuyên gia nhằm có được phương pháp tính toán chỉ tiêu kinh tế số sát thực tế.

 

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia trình bày Đề xuất phương pháp đo lường Kinh tế số ở Việt Nam và Kết quả tính toán thử nghiệm Kinh tế số của Việt Nam. Phần trình bày đã giới thiệu về kinh tế số và đo lường kinh tế số quốc tế; Cơ sở pháp lý về kinh tế số ở Việt Nam và các hướng tiếp cận; Kết quả thử nghiệm đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP, GRDP.

Theo đó, trên thế giới, có nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế số, tuy nhiên, năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa mang tính toàn diện nhằm tạo sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên G20 trong xác định khái niệm thống nhất và đo lường kinh tế số, đó là: “Kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”.

Tại Việt Nam, cơ sở pháp lý về Kinh tế số ngày càng được Đảng và Nhà nước chú trọng và củng cố. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030. Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu“Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Đây là chỉ tiêu được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021; và ngày 07/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, theo các quy định hiện hành, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước trong kỳ báo cáo. Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. 

Đo lường đóng góp của Kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Do vậy, để kịp thời biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP, GRDP theo quy định, Tổng cục Thống kê đề xuất biên soạn trên cơ sở dữ liệu sẵn có theo phương pháp sản xuất trong tài khoản quốc gia. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP và GRDP được biên soạn theo giá hiện hành.

Tính toán thử nghiệm đo lường đóng góp giá trị gia tăng của Kinh tế số trong GDP tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu dựa trên bảng IO cập nhật 2020 của TCTK cho thấy, trong giai đoạn 2019-2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường.

Qua Hội thảo, một số giải pháp hoàn thiện đo lường kinh tế số được đặt ra, đó là: (1) Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò Kinh tế số trong nền kinh tế. (2) Hoàn thiện nguồn thông tin đầu vào để đo lường các chỉ tiêu Kinh tế số, đặc biệt là chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước và tổng sản phẩm trên địa bàn”. (3) Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với Bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Bùi Trinh đã có những ý kiến đóng góp rất xác đáng từ phương pháp tính, chi tiết công thức thức tính cho đến chỉnh sửa các thuật ngữ, từ ngữ sử dụng sao cho chặt chẽ, khoa học... Bên cạnh ý kiến của Tiến sỹ Bùi Trinh, các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến tại Hội thảo cũng bày tỏ sự nhất trí và ghi nhận sự nỗ lực của Vụ TKQG đối với các nội dung về phương pháp đo lường kinh tế số; và có những ý kiến đóng góp hữu ích về phạm vi, phương pháp tính, nguồn thông tin...

 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Kết luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao nỗ lực của Vụ Hệ thống TKQG trước một chủ đề mới, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành chuyên sâu. Tổng cục trưởng cho biết, phương pháp luận nói chung mà cơ quan Thống kê Việt Nam và cơ quan thống kê các nước đang sử dụng là phương pháp tính dựa trên giá trị sản xuất đầu vào; và tùy theo điều kiện sử dụng mà quyết định công cụ nào phù hợp để tính toán. Để thực hiện đúng lộ trình công bố chỉ tiêu Kinh tế số trong năm nay, một số nhiệm vụ đơn vị soạn thảo cần lưu ý, đó là: Bổ sung tài liệu tham khảo nghiên cứu trong nước và quốc tế nhằm cập nhật đầy đủ phần tổng quan nghiên cứu; Làm rõ cơ sở lý luận, củng cố đề xuất phương pháp tính chỉ tiêu Kinh tế số; Làm rõ nguồn thông tin và phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cách tính; Rà soát, tính toán kết quả, chuẩn hóa, rà lại từ ngữ, phương pháp luận; Bổ sung nhanh các phân tích theo ngành, có nhận định, đánh giá rút ra từ kết quả tính toán, giới hạn phạm vi... Đặc biệt, Vụ chủ trì cần sớm có kế hoạch cụ thể hoàn thiện báo cáo, tổ chức hội thảo tham vấn mở rộng chuyên gia từ các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, Trường đại học... nhằm sớm hoàn thiện, công bố chỉ tiêu Kinh tế số theo đúng lộ trình./.

Tin, ảnh: Thu Hiền