Nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) tại Trung Quốc thực sự bùng nổ vào năm 2016 khi có tới khoảng 600 triệu người ở nước này tham gia với tổng giá trị giao dịch lên đến 3.450 tỷ NDT, tương đương 510 tỷ USD (theo Trung tâm Thông tin kinh tế nhà nước Trung Quốc). Sau một thời gian ngắn chững lại, đến năm 2019, tổng giá trị giao dịch thị trường của nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc quay trở lại đà tăng trưởng và đạt 3.280 tỷ NDT, tương đương 473,71 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2018. Ước tính năm 2019, các nền tảng giao dịch của nền kinh tế chia sẻ đã tạo ra khoảng 6,23 triệu việc làm, tăng 4,2%. Hiện Trung Quốc có khoảng 800 triệu người có liên quan tới các lĩnh vực của nền kinh tế này và có 78 triệu nhà cung cấp dịch vụ, tăng 4% so với năm 2018, trong đó có khá nhiều các startup.
Nền kinh tế chia sẻ đã bao trùm lên khá nhiều lĩnh vực. Theo hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel cho biết, năm 2018 có tới 91% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ đã thuê hoặc mua xe đạp/xe đạp điện cũ; 61% là con số đối với sản phẩm ô tô. Peer-to-peer (chia sẻ ngang hàng) là một trong những mô hình chia sẻ xe phổ biến tại Trung Quốc, cho phép người thuê xe và chủ xe kết nối với nhau thông qua một trang web trung gian, hoặc trực tiếp thuê xe từ công ty cho thuê. Với những cái tên đình đám như Didi Chuxing hay Mobike, làn sóng chia sẻ xe đạp, ô tô đã truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực khác như: Sách/sản phẩm nghe nhìn (25%), các sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại di động và máy ảnh (25%), đồ nội thất (18%), các thiết bị gia dụng như tủ lạnh (12%) và quần áo, phụ kiện (9%).
Theo phân tích của giới chuyên gia, điều kiện để nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển chính là sự góp mặt của công nghệ Internet tiên tiến, nhất hệ thống thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử cùng với trên 700 triệu “cư dân mạng” và nhiều chính sách thuận lợi khác. Trong nền kinh tế chia sẻ, công nghệ thông tin được sử dụng như một bên trung gian để kết nối cung và cầu, theo đó, các nền tảng kỹ thuật số sẽ được sử dụng với mục đích chia sẻ và tái sử dụng năng lực dư thừa trong nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, giúp tối ưu hóa việc sử dụng, phân bổ các nguồn lực nhàn rỗi và mang lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Nền kinh tế chia sẻ đã bao trùm lên khá nhiều lĩnh vực. Theo hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel cho biết, năm 2018 có tới 91% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ đã thuê hoặc mua xe đạp/xe đạp điện cũ; 61% là con số đối với sản phẩm ô tô. Peer-to-peer (chia sẻ ngang hàng) là một trong những mô hình chia sẻ xe phổ biến tại Trung Quốc, cho phép người thuê xe và chủ xe kết nối với nhau thông qua một trang web trung gian, hoặc trực tiếp thuê xe từ công ty cho thuê. Với những cái tên đình đám như Didi Chuxing hay Mobike, làn sóng chia sẻ xe đạp, ô tô đã truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực khác như: Sách/sản phẩm nghe nhìn (25%), các sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại di động và máy ảnh (25%), đồ nội thất (18%), các thiết bị gia dụng như tủ lạnh (12%) và quần áo, phụ kiện (9%).
Theo phân tích của giới chuyên gia, điều kiện để nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển chính là sự góp mặt của công nghệ Internet tiên tiến, nhất hệ thống thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử cùng với trên 700 triệu “cư dân mạng” và nhiều chính sách thuận lợi khác. Trong nền kinh tế chia sẻ, công nghệ thông tin được sử dụng như một bên trung gian để kết nối cung và cầu, theo đó, các nền tảng kỹ thuật số sẽ được sử dụng với mục đích chia sẻ và tái sử dụng năng lực dư thừa trong nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, giúp tối ưu hóa việc sử dụng, phân bổ các nguồn lực nhàn rỗi và mang lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Nền kinh tế này trở nên hấp dẫn tại Trung Quốc còn là do sự thay đổi thói quen tiêu dùng tại quốc gia này, đặc biệt là quan niệm tiêu dùng “thông thoáng” của tầng lớp dân cư trẻ, họ không còn quá bận tâm với việc tích lũy tài sản - mua nhà, mua xe như các thế hệ trước và ý thức tiêu dùng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, loại hình kinh tế này được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi, trợ cấp đáng kể…
Qua trải nghiệm thực tế, phần lớn người tiêu dùng ở Trung Quốc thừa nhận lợi ích của nền kinh tế chia sẻ, với 86% trong số họ đánh giá cao sự tiện lợi mà việc chia sẻ sản phẩm và dịch vụ mang lại.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển trong nước, các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ Trung Quốc còn mở rộng, lấn sân sang nhiều quốc gia khác. Ví dụ như, hãng chia sẻ xe đạp của Trung Quốc Mobike triển khai dịch vụ tại Anh, Nhật Bản và Italy. Trong khi đối thủ của họ là Ofo cũng có động thái tương tự tại Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản…
Mặc dù từ cuối năm 2019 nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải chống chọi với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tuy nhiên Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc (SIC) khá lạc quan cho rằng, dịch bệnh Covid-19 sẽ chỉ có tác động tạm thời tới nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế này sẽ nhanh chóng vượt qua tình hình khó khăn của dịch bệnh, vẫn là động lực cho sự phát triển của Trung Quốc. Tháng 3/2020, Trung tâm này dự đoán nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 10-15%/năm trong giai đoạn 2020-2022.
Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán trên, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc đã có dấu hiệu lung lay, chao đảo từ năm 2019 vừa qua. Điều này được chứng minh bởi sự sụt giảm đầu tư của loại hình kinh tế này lên tới 52,1% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu Báo cáo Phát triển Kinh tế Chia sẻ năm 2020), do giới đầu tư xem xét kỹ lưỡng hơn về tính bền vững của các mô hình kinh doanh khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu rơi vào trạng thái suy yếu. Ngoài ra, cũng trong năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm trợ cấp và thắt chặt quy định đối với các doanh nghiệp chia sẻ ôtô, khiến lượng lớn công ty bị loại khỏi cuộc chơi.
Dù trước đó đánh giá Covid-19 không gây nguy hại nhiều đến nền kinh tế, thế nhưng đến hết quý II/2020, các startup kinh tế chia sẻ Trung Quốc cũng đã lên tiếng thừa nhận các ảnh hưởng từ dịch bệnh và suy thoái toàn cầu nghiêm trọng hơn so với dự tính. Nhiều tên tuổi từ lớn đến nhỏ trong nền kinh tế chia sẻ nước này đang phải vật lộn sau những cú sốc mà Covid-19 tạo ra. Điển hình là nền tảng chia sẻ chỗ ở trực tuyến Tujia đã phải sa thải 800 người, chiếm 40% tổng số nhân viên của doanh nghiệp. Trong khi đó, số người dùng hàng ngày của “gã” khổng lồ gọi xe Didi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 đã giảm 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5,73 triệu người. Với lượng hành khách giảm mạnh sau khi dịch lan rộng, Didi đã cắt giảm hàng loạt trợ cấp dành cho tài xế. Những tháng đầu năm 2020, Didi còn phải đón nhận một tin không vui khi cổ phiếu giao dịch nội bộ có mức giá thấp hơn 40% so với thời điểm định giá đỉnh cao. Còn với nền tảng Airbnb, số lượng đặt phòng vào tháng 2 và tháng 3 năm nay đã sụt giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này cũng đã đình chỉ hoạt động tiếp thị trong năm 2020 và cắt giảm 25% lực lượng lao động. Một công ty chia sẻ sạc điện thoại là Xiaodian cũng đã “cạn pin” vì doanh thu sụt giảm, áp lực về chi phí, chuỗi cung ứng gia tăng và vấn đề thuê nhà ở một số thành phố bởi đại dịch.
Các chuyên gia phân tích, nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc tích hợp giữa trực tuyến (về nền tảng) và ngoại tuyến (về phân phối), vốn đòi hỏi người dùng và các phương tiện dùng chung phải có sự tương tác và chia sẻ. Hầu hết doanh nghiệp kinh tế chia sẻ hiện phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng ngoại tuyến. Do đó, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, e ngại và cảnh giác với những mặt hàng đã từng được người khác sử dụng sau chuỗi ngày dài thực hiện đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chia sẻ ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay, những chiếc xe đạp không được sử dụng nằm chất đống nhiều nơi trên đường phố, không ai dám sử dụng chung ghế massage, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thay vì đến trung tâm thương mại…
Các chuyên gia còn cho rằng, sự tụt dốc của nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc còn do sự liều lĩnh, vội vàng của các startup. Ngoài tính dễ tổn thương của nền kinh tế chia sẻ, thực tế cho thấy nhiều công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ thảm bại vì bỏ qua những nguyên tắc kinh doanh sơ đẳng. Họ đã quá nôn nóng tận dụng làn sóng mới, tìm cách mở rộng thị phần và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm bằng mọi giá. Điển hình là một số startup chia sẻ ôtô như Ezzy và Uu phải cay đắng tuyên bố phá sản sau khi chi lượng lớn tiền cho các chính sách khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Startup chia sẻ xe đạp Ofo từng đạt giá trị vốn hóa thị trường 2 tỷ USD hiện giờ cũng trượt tới bờ vực phá sản.
Sau sự bùng phát của dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách, chiến dịch kích cầu để phục hồi tiêu dùng. Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, đứng vững sau đại dịch. Lượng đặt phòng ở Airbnb tăng mạnh 200% trong tháng 4 và 99% chủ nhà sẵn sàng tham gia vào thị trường cho thuê ngắn hạn khi dịch bệnh được kiểm soát. Tháng 7/2020, nền tảng cung cấp và hỗ trợ các hoạt động cho thuê phòng trực tuyến Airbnb có thời điểm đã ghi nhận hơn 1 triệu lượt đặt phòng trong một ngày, con số không tưởng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu tháng 3/2020. Hãng xe Didi cũng cho biết số lượt gọi xe đã phục hồi khoảng 60-70% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát và cao gấp 5 lần mức thấp kỷ lục hồi tháng 2. Công ty chia sẻ xe đạp Hellobike cũngkhẳng định số chuyến đi đã tăng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ Trung Quốc đang tính toán các cơ hội chuyển hướng kinh doanh. Shouqi, một nền tảng gọi xe nhỏ cho các tài xế và xe trống chuyển sang dịch vụ giao hàng, hợp tác với hãng giao đồ ăn Meituan và Hema - chuỗi siêu thị thực phẩm do Alibaba sở hữu. Hema cũng đang đưa ra 1 sáng kiến mới tận dụng kinh tế chia sẻ hỗ trợ thị trường lao động - đó là “mượn” lại nhân viên của các nhà hàng, rạp chiếu phim hay khách sạn đang tạm thời nghỉ việc do dịch bệnh, để thực hiện đóng gói và phân loại hàng hóa.
Có thể nói dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đang thay đổi phần lớn cuộc chơi kinh tế chia sẻ của Trung Quốc, đẩy nhanh tốc độ đào thải với những người chơi yếu thế, đi chậm hơn trong cuộc đua này. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và câu hỏi “liệu nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc có thể trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây?” cũng được nhiều người đặt ra./.
Ngọc Linh