Thị trường dầu mỏ: Đang bước vào chu kỳ tăng giá mới

|

Thị trường dầu mỏ: Đang bước vào chu kỳ tăng giá mới

Các chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường dầu mỏ đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, khi nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” phục hồi nhanh hơn dự kiến giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, đặc biệt là sau khi hoạt động đi lại của người dân dần trở về trạng thái bình thường như giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
 

Giá dầu thế giới tăng kỷ lục


Giá dầu thế giới đã chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Tại sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã chạm ngưỡng 83,76 USD/thùng. Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc tăng lên mức 85,99 USD/thùng, tiệm cận đỉnh 86,70 USD/thùng vào tháng 10/2018. Việc giá dầu WTI trải qua 9 tuần tăng liên tiếp, trong khi giá dầu Brent ghi nhận 7 tuần tăng liên tiếp đã khiến giá của cả hai mặt hàng dầu chủ chốt tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 9/2021.
 
Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trên quy mô toàn cầu. Mỹ là nước tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất sau hơn một năm nhu cầu suy giảm do đại dịch Covid-19. Cùng với đó, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đang thúc đẩy xu hướng sản xuất điện sử dụng dầu diesel và dầu mỏ, càng khiến nhu cầu về các loại nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Phiên giao dịch năng lượng tại châu Âu ghi nhận giá các hợp đồng giao hàng vào tháng 11/2021 ở khoảng 83,75 euro/MWh, tăng gấp đôi so với hồi tháng 8/2021.

Trong bối cảnh trên, các nhà sản xuất dầu mỏ lại vẫn rất e dè trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, càng khiến nỗ lực“lấp đầy các kho dự trữ xăng dầu” trở nên xa vời. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, lượng dầu thô tồn kho đã giảm 400.000 thùng trong tuần tháng 10, thay vì dự báo tăng 2-3,3 triệu thùng. Cùng với đó, lượng xăng tồn kho hàng tuần của quốc gia này giảm 5,4 triệu thùng, sản phẩm chưng cất giảm 3,9 triệu thùng. Như vậy, lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ đã ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã dẫn tới những tác động tiêu cực về kinh tế, đặc biệt là thị trường tiêu dùng trên toàn cầu. Tại Mỹ, giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, khoảng 3,39 USD/gallon (3,79 lít). Tại Anh, nhiên liệu này cũng chạm mức cao kỷ lục vào cuối tuần qua, lên tới 142,94 xu/lít, vượt qua kỷ lục trước đó là 142,48 xu/lít. Với một chiếc xe ô tô phổ thông, để đổ đầy bình xăng dung tích 55 lít, người tiêu dùng sẽ mất thêm khoảng 15 bảng Anh (tương đương 500 nghìn đồng Việt Nam). Điều này cho thấy áp lực tài chính đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Anh gia tăng chưa từng có. Ở Ấn Độ, giá xăng và dầu diesel hiện là 107,24 rupee/lít và 95,97 rupee/lít, đây là mức cao kỷ lục so với hồi tháng 5/2021.

Theo Ngân hàng Bank of America (Mỹ), khó khăn về nhiên liệu sẽ tiếp diễn khi mùa đông đang tới gần. Điều này có thể khiến giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng. Trước khó khăn về nguồn cung nhiên liệu, nhiều quốc gia đã chủ động lên phương án ứng phó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã đề nghị các tập đoàn dầu khí tăng cường năng lực dự trữ, nhấn mạnh đây là thời điểm cần tập trung tối đa để nâng sản lượng chứ không phải vấn đề lợi nhuận từ dầu mỏ. Tương tự, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục gây sức ép để các thành viên OPEC gia tăng lượng cung.

Theo giới phân tích, việc giá dầu liên tục tăng cho thấy cuộc khủng hoảng về năng lượng toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế cần tăng tính dự báo để ứng phó một cách linh hoạt trong việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là các quốc gia châu Á, khu vực đang trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

OPEC có sớm điều chỉnh sản lượng?

Bất chấp giá dầu Brent đã đạt mức cao kỷ lục và gia tăng áp lực đối với người tiêu dùng, OPEC và các nhà sản xuất dầu liên minh (nhóm OPEC+) vẫn chưa có kế hoạch đẩy nhanh việc tăng sản lượng.

Trong cuộc họp ngày 4/10, OPEC+ đã xác nhận sẽ tuân theo chính sách sản lượng hiện tại, tức là duy trì mức tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4/2022 theo thỏa thuận đạt được trước đó.

Quyết định này được các Bộ trưởng OPEC+ đưa ra giữa bối cảnh tổ chức này đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và Ấn Độ liên quan đến việc nâng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng tới 50% kể từ đầu năm nay.
Chuyên gia kinh tế về hàng hóa tại Capital Economics, ông Kieran Clancy cho rằng, OPEC+ đang ngày càng chịu nhiều áp lực lớn nhằm đưa nguồn cung dầu mỏ trở lại thị trường nhanh hơn. Hệ quả là, nếu liên minh dầu mỏ này tiếp tục trì hoãn đẩy nhanh kế hoạch nâng sản lượng, thị trường sẽ tiếp tục trong tình trạng thâm hụt và giá “vàng đen” được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất cho đến sau cuộc họp chính sách tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/11 tới.
 
Trong trường hợp sản lượng dầu mỏ của hai thành viên quan trọng trong OPEC là Angola và Nigeria vẫn  thấp  hơn  ngưỡng  mục  tiêu  do những thách thức nội tại về hạ tầng, đầu tư và an ninh, giá dầu thậm chí sẽ còn tăng trong năm tới. Các nhà phân tích năng lượng tại Bank of America Global Research dự báo, giá dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng nếu nhiệt độ lạnh hơn dự kiến ở khu vực Bắc Bán cầu trong mùa Đông năm nay. Viễn cảnh đó có thể thúc đẩy nhu cầu tăng vọt và tạo sức ép lên nguồn cung.

Ngoài ra, xu hướng này có thể khuyến  khích  các  đối  thủ  cạnh  tranh  mới  tham  gia  thị  trường, giúp thăm dò  thêm  nhiều  mỏ  dầu  mới  hay  thậm  chí  là  khuyến  khích  sử  dụng  năng  lượng  tái  tạo. Ở một góc nhìn khác, một số  nhà  quan  sát  nhận  định  quyết  định  của  OPEC+  sẽ  là “rất  thận  trọng” cho đến khi liên minh này xem xét đầy đủ  các  khía  cạnh  của  cuộc  khủng  hoảng  năng  lượng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế  giới,  cũng  như  các  nguy  cơ  gây  gián  đoạn  nguồn  cung  dầu  mỏ. Mặc dù đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 tương đối lạc quan, song liên minh dầu mỏ này vẫn  cảnh  báo  về  nguy  cơ  suy  giảm  nhu  cầu  dầu  mỏ  trong  trung  hạn,  cho  rằng  những lo lắng về tốc độ và quỹ đạo của sự phục hồi này có thể ảnh hưởng tới thị trường năng lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, vẫn  còn  những  rủi  ro  khác  về  sự  lây  lan  của  các  biến  thể  COVID-19,  áp  lực  lạm  phát và khả năng các ngân  hàng  trung  ương  ngừng  các  chương  trình  nới  lỏng  định  lượng  quy  mô  lớn. Từ những bài học trong quá khứ, có thể hiểu lý do OPEC+ tỏ ra cẩn trọng, bởi lẽ bất kỳ quyết định sai lầm nào cũng có thể khiến thị trường dầu mỏ chao đảo. Vì vậy, áp lực chính trị của Mỹ và những nước khác chưa đủ để khiến liên minh dầu mỏ này ngay lập tức thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng là OPEC+ cần kiểm soát chu kỳ tăng giá hiện nay và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp trước khi quá muộn./.

 

TS. Đỗ Ngọc Trâm

Học viện Ngân hàng