Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc - ESCAP (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific) là một tổ chức của Ban thư ký khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc. Tổ chức này có sức ảnh hưởng rộng lớn, thúc đẩy hợp tác giữa 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết, nhằm theo đuổi các giải pháp cho các thách thức phát triển bền vững.
Năm 2016, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng Tầm nhìn chung châu Á - Thái Bình Dương và khuôn khổ thúc đẩy thống kê chính thức. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, các hệ thống thống kê quốc gia được kích hoạt và trao quyền để dẫn dắt sự phát triển cũng như cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đáng tin cậy, kịp thời phục vụ các yêu cầu thống kê cấp thiết đang hình thành, hướng tới đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030. Mục tiêu tham vọng của hành động chung được xác định trên 5 lĩnh vực chính quan trọng, gồm: (1) Tiếp cận, thu hút người sử dụng và đầu tư vào số liệu thống kê; (2) Đảm bảo chất lượng và tạo dựng niềm tin vào dữ liệu thống kê; (3) Xây dựng dữ liệu thống kê tích hợp và tăng cường phân tích dữ liệu; (4) Hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ thống kê; (5) Xây dựng, trang bị những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các mục tiêu đó.
Bà Rachael Joanne Beaven, Giám đốc Cơ quan Thống kê ESCAP nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị dữ liệu,
trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm để quản trị dữ liệu một cách hiệu quả
Hiện thế giới đang có nhiều thay đổi, kéo theo đó là sự thay đổi về vai trò của các cơ quan thống kê quốc gia. Nhìn lại thời điểm các nước tiến hành cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên, lúc đó vai trò chính của các cơ quan thống kê quốc gia chủ yếu là triển khai để thu thập dữ liệu trong một lĩnh vực cụ thể. Trong thế kỷ XX, vai trò cơ quan thống kê quốc gia đã thay đổi, không chỉ tập trung vào tổng điều tra mà còn là các cuộc điều tra dân số, khảo sát... Bước sang thế kỷ XXI, vai trò của các cơ quan thống kê quốc gia trở nên đa dạng hơn và phức tạp hơn khi thế giới cũng trở nên phức tạp hơn. Hiện các cơ quan thống kê quốc gia có vai trò ngày một lớn hơn, không chỉ là triển khai các cuộc tổng điều tra hay điều tra nữa, mà còn là kết nối dữ liệu hành chính. Trong tương lai, đằng sau câu chuyện dữ liệu hành chính còn là vấn đề dữ liệu lớn (Bigdata), các dữ liệu về điện không gian, thu thập được từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau và đều có thể khai thác nguồn dữ liệu đó. Vì thế, các cơ quan thống kê quốc gia cũng cần thay đổi vai trò và năng lực để thích ứng với những nhiệm vụ mới. Ví dụ như xác định những quy tắc, nguyên tắc, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ, để có thể phối hợp một cách chặt chẽ với tất cả những bên có liên quan, không chỉ với Chính phủ mà còn là với các tổ chức xã hội cũng như các nhà nghiên cứu để có thể tạo ra và huy động những tri thức đó. Từ điều này, ESCAP đã thống nhất tầm quan trọng của quản trị dữ liệu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm để quản trị dữ liệu một cách hiệu quả. ESCAP cũng đã xây dựng một loạt khuyến nghị với các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm này với nhau.
Theo định nghĩa của ESCAP, quản trị dữ liệu là việc thực thi quyền hạn và kiểm soát đối với quyền quản lý và chuyển đổi dữ liệu với mục tiêu nâng cao giá trị dữ liệu, đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan đến dữ liệu. Ủy ban lần thứ 8 về Thống kê Châu Á - Thái Bình Dương đã thống nhất “thực hiện quản trị dữ liệu trong các công việc tương lai, đặt trọng tâm vào việc chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật” |
Triển khai thực tế, ESCAP đã xây dựng khuôn khổ quản trị dữ liệu, trong đó có 5 trụ cột quan trọng, đó là: (i) Tầm nhìn và mục tiêu chính sách; (2) Quy định, chính sách và thể chế quản lý dữ liệu; (iii) Thách thức về giám sát và quản lý dữ liệu; (iv) Chia sẻ dữ liệu, khả năng truy cập và tích hợp dữ liệu; (v) Chia sẻ dữ liệu - Rủi ro và giảm thiểu rủi ro trong chia sẻ dữ liệu. 5 trụ cột trên cho phép ESCAP có được góc nhìn thực tiễn về từng quốc gia, từ đó xác định những công việc cần triển khai.
Trụ cột 1 - Tầm nhìn và mục tiêu chính sách
Trụ cột này sẽ giúp Chính phủ các nước xác định được tầm quan trọng về quản trị dữ liệu; tầm nhìn về dữ liệu trong phục vụ lợi ích công, chuyển đổi dữ liệu; các giải pháp để tăng cường khả năng truy cập, sử dụng dữ liệu cũng như kết hợp các nguồn dữ liệu khác nhau (về thiết lập cơ sở hạ tầng và nền tảng phù hợp để tối đa hóa khả năng tiếp cận và sử dụng dữ liệu, xây dựng các quy tắc minh bạch và quy trình hợp lệ); cách thức để có thể xây dựng một nền kinh tế phát triển trên cơ sở khai thác tối đa giá trị của nguồn dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu từ khối tư nhân.
Tại Indonesia, quốc gia này xây dựng chính sách “Một dữ liệu Indonesia”, nhằm giúp dữ liệu chính phủ kịp thời và chính xác hơn, đồng thời cho phép các nền tảng dữ liệu tích hợp, cho phép chính quyền trung ương và địa phương, người dân có sự tương tác. Còn ở Singapore, có sáng kiến “Quốc gia Thông minh” với tầm nhìn về một “Quốc gia Thông minh, An toàn”, được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận toàn quốc kết hợp dữ liệu và số hóa với quan điểm “Kỹ thuật số từ trong cốt lõi”. Nhấn mạnh vào chuyển đổi số và chuyển đổi số từ trong cốt lõi. Sáng kiến này tập trung vào xây dựng 3 trụ cột, đó là: (1) Một nền kinh tế số với việc trang bị cho doanh nghiệp và lực lượng lao động khả năng thích ứng với những thay đổi kỹ thuật số; (2) Chính phủ số, chuyển đổi khu vực công và cách thức phục vụ công dân và doanh nghiệp; (3) Xã hội số, phát triển khả năng sử dụng công nghệ một cách an toàn và đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người.
Chính sách “Một dữ liệu Indonesia giúp dữ liệu chính phủ kịp thời và chính xác hơn,
cho phép các nền tảng dữ liệu tích hợp và có sự tương tác giữa chính quyền trung ương
và địa phương với người dân
cho phép các nền tảng dữ liệu tích hợp và có sự tương tác giữa chính quyền trung ương
và địa phương với người dân
Trụ cột 2 – Quy định, chính sách và thể chế quản lý dữ liệu
Trụ cột này đòi hỏi có một hệ thống hoàn thiện về mặt quy định, thể chế mà cấp cao nhất là hệ thống pháp luật và một loạt các chính sách, quy tắc, quy định, hướng dẫn, quy trình.
Ví dụ như tại Thái Lan, đã xây dựng một hệ thống các quy tắc, quy định về sử dụng dữ liệu. Nước này có Cơ quan Phát triển Chính phủ số quốc gia, chịu trách nhiệm kết nối các nguồn dữ liệu từ các cơ quan chính phủ khác nhau để tạo nên một Trung tâm dữ liệu Chính phủ mở và xây dựng Khung Quản trị dữ liệu với quy chuẩn chung yêu cầu các cơ quan chính phủ phải tuân, báo cáo trực tiếp cho Văn phòng Thủ tướng.
Trụ cột 3 – Đơn vị giám sát dữ liệu và đơn vị quản lý dữ liệu
Mỗi quốc gia có cách tiếp cận riêng về vấn đề này. Một số quốc gia thực hiện vai trò quản lý dữ liệu cụ thể, bao gồm quy trình thu thập dữ liệu, xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng, xây dựng quy trình lưu trữ và truy xuất dữ liệu... nhằm đảm bảo chất lượng tại nguồn và bảo mật dữ liệu tại nguồn.
Ở một số nước thực hiện mô hình giám hộ dữ liệu, tức là thực hiện các nhiệm vụ dài hạn hơn. Các cơ quan thống kê quốc gia không chỉ sản xuất và quản lý dữ liệu trực tiếp mà còn đánh giá, thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu, xác định những hạn chế trong hệ thống quản lý dữ liệu và tìm các biện pháp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Tại Malaysia, Cơ quan Thống kê quốc gia thực hiện vai trò chủ yếu là đảm bảo sự nhất quán và chất lượng dữ liệu được sản xuất ra bởi các cơ quan chính phủ khác nhau, đồng thời thiết lập các phòng thống kê chuyên trách theo tiêu chuẩn thống nhất tại các cơ quan khác của Chính phủ, chỉ định các Giám đốc dữ liệu làm việc trong các cơ quan Chính phủ cũng như các cấp. Thông qua quy trình này, xây dựng một cấu trúc nhất quán và đều được điều phối chung bởi Giám đốc dữ liệu thuộc cơ quan Thống kê Qquốc gia.
Một ví dụ khác ở Cơ quan Thống kê Australia. Năm 2022, Đạo luật về Tính minh bạch và Tính sẵn có của dữ liệu được ban hành, xác định rõ vai trò của Cơ quan Thống kê Australia là đơn vị giám hộ dữ liệu với nhiều chức năng như: Đứng đầu vai trò nghiệp vụ dữ liệu, mở rộng dữ liệu và đảm bảo dữ liệu do các cơ quan chính phủ khác nhau sản xuất có chất lượng và đều đạt tiêu chuẩn mang tính nhất quán có thể tích hợp một cách dễ dàng.
Trụ cột 4 - Chia sẻ dữ liệu, khả năng truy cập và tích hợp dữ liệu
Việc tăng cường chia sẻ, truy cập và tích hợp dữ liệu mang lại nhiều cơ hội cho người dùng tin như: Thu hẹp khoảng cách dữ liệu, ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, có được số liệu thống kê chi tiết với phạm vi lớn một cách kịp thời với tần suất cao hơn. Đặc biệt, giúp tiết kiệm các nguồn lực để triển khai các cuộc điều tra khảo sát bằng việc tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có của các cơ quan Chính phủ khác nhau. Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu cũng đặt ra những khó khăn thách thức, đòi hỏi cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đồng thời cần có nguồn lực và năng lực kỹ thuật cao.
Thúc đẩy chia sẻ, truy cập dữ liệu và tích hợp dữ liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu ESCAP. Tổ chức này đã xây dựng một loạt hướng dẫn về vấn đề này và khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia diễn đàn về chia sẻ dữ liệu một cách an toàn.
Tại Indonesia, trong khuôn khổ sáng kiến “Một dữ liệu Indonesia”, một trong những trọng tâm của họ là làm thế nào để có dữ liệu chính xác, cập nhật, tích hợp và mang tính trách nhiệm, có thể dễ dàng truy cập và chia sẻ giữa các cơ quan Chính phủ trung ương và các cơ quan khu vực với các tiêu chuẩn, siêu dữ liệu, khả năng tương tác dữ liệu, sử dụng mã tham chiếu và dữ liệu chủ.
Hay như Singapore, xây dựng một đầu mối duy nhất là “nguồn dữ liệu tin cậy duy nhất” - SSOT đảm bảo chất lượng tại nguồn, với môi trường phát triển và trao đổi hoạt động cốt lõi (CODEX) là nền tảng kỹ thuật số được chia sẻ của Chính phủ.
"Hiện Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đã có dữ liệu hành chính khá tốt. Không có một mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu duy nhất cho mọi quốc gia. Mỗi quốc gia cần dựa trên những cái nền tảng đang có để xây dựng các mô hình phù hợp cho mình. Để có thể là nâng tầm các hệ thống hiện tại, quản trị tốt hơn dữ liệu, kết nối những hệ thống với nhau, Việt Nam có thể làm từng bước chắc chắn. Ví dụ như có thể kết nối dữ liệu từng Bộ, ngành với nhau, để từ đó kết nối lại thành hệ thống lớn."
Bà Rachael Joanne Beaven, Giám đốc Cơ quan Thống kê, ESCAP
|
Trụ cột 5 – Chia sẻ dữ liệu: Rủi ro và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến chia sẻ dữ liệu
Việc chia sẻ dữ liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi cần có cơ chế giảm thiểu rủi ro đó. Một số các quốc gia đã có cơ chế để phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn. Ví dụ như New Zeland có khuôn khổ “Năm an toàn” gồm 5 điểm để quản lý, giảm thiểu liên quan đến chia sẻ dữ liệu, gồm: Con người an toàn (có hiểu về dữ liệ ko?); Dự án an toàn (mục đích của dự án); Cơ chế an toàn của dự án; Dữ liệu an toàn (đảm bảo dữ liệu khi được truy cập đảm bảo thông tin cá nhân đã được lọc, mã hóa); Đầu ra an toàn (khi cung cấp dữ liệu không để lộ thông tin định danh quan trọng của cá nhân).
Hiện ESCAP đang thành lập một nhóm chuyên gia ở Bangkok (Thái Lan), thực hiện phân tích bối cảnh của nhiều quốc gia trong khu vực để có những hỗ trợ phù hợp với từng quốc gia. ESCAP cũng sẽ có nhiều hoạt động tiếp theo để thúc đẩy việc chia sẻ, quản trị dữ liệu trong khu vực./.
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật, TCTK tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng cục trưởng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động thống kê, trong đó đã thiết lập và thực hiện mô hình quản trị dữ liệu tại TCTK. Theo đó, thực hiện mô hình quản trị dữ liệu tập trung, phân quyền quản lý theo ngành dọc phù hợp với cơ cấu tổ chức của Ngành với ba cấp và các nhóm: Nhóm Lãnh đạo cấp cao; Nhóm Lãnh đạo quản lý dữ liệu; Nhóm thực hiện quản lý dữ liệu. Xây dựng mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp xã, TCTK đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương, thống kê nước ngoài và hợp tác quốc tế. TCTK cũng xây dựng và thực hiện các đề án, dự án nhằm xây dựng hệ thống quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu. Dữ liệu thống kê hiện được hình thành từ nhiều nguồn thông tin bao gồm dữ liệu vi mô từ các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; dữ liệu hành chính; các chế độ báo cáo thống kê. Dữ liệu thống kê được tích hợp để thiết lập nên Hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia (cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia) và được quản lý tập trung tại Tổng cục Thống kê. |
Bích Ngọc