Sau khi tăng mạnh trong năm 2022, giá hàng hóa cơ bản như lương thực, kim loại và năng lượng đã đồng loạt giảm mạnh... Các nhà quan sát thị trường cho biết, đây được xem là một chỉ báo cho thấy tình trạng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Giá cả hàng hóa toàn cầu giảm mạnh
Cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào năm ngoái đã gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá năng lượng, ngũ cốc và các loại hàng hóa nguyên liệu thô khác tăng vọt. Sự gia tăng này đã dẫn tới lạm phát phi mã tại nhiều quốc gia, đặc biệt là phương Tây, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác phải mạnh tay tăng lãi suất. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và lương thực cũng xảy ra tại nhiều vùng của châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, mọi thứ hiện đang dần đảo ngược. Chỉ số S&P GSCI Commodities Index, một thước đo giá hàng hoá cơ bản toàn cầu, đã giảm 25% trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong số các rổ hàng hóa khác nhau, giá các kim loại công nghiệp giảm gần 3,8%; giá năng lượng như dầu thô và khí đốt giảm 23%.
Ảnh minh họa
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), thước đo theo dõi những lương thực cơ bản được giao dịch nhiều nhất thế giới như ngũ cốc, sữa và dầu ăn cũng cho thấy, giá lương thực cơ bản đã giảm 22% trong vòng 1 năm qua. Trong đó, giá dầu thực vật giảm nhiều nhất, với mức giảm 48%, phản ánh giá đồng loạt giảm ở dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt nho và dầu hạt hướng dương.
Ukraine sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hạt hướng dương của thế giới và cuộc chiến tranh ở nước này đã đẩy giá dầu hạt hướng dương tăng mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu hạt hướng dương của Ukraine đã phục hồi gần đây, giúp giá “hạ nhiệt”.
Giá lúa mì hiện cũng đang ở mức rẻ nhất kể từ năm 2020, khi đã giảm tới 20,23% trong năm nay và 41,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc gia hạn thoả thuận ngũ cốc Biển Đen - thoả thuận tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn - cho tới tháng 7/2023 đã mang tới một sự giải toả tạm thời các áp lực tăng giá ngũ cốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lại thoả thuận này trong tương lai vẫn còn bấp bênh, đặt ra rủi ro hạn chế nguồn cung trong thời gian còn lại của năm.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với năng lượng và các loại nguyên liệu thô khác. Giá dầu thô hiện đang ở gần mức thấp nhất kể từ thời điểm ngay trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+. So với cùng kỳ năm 2022, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London hiện đã giảm khoảng 34%. Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo giá dầu, cho rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung trong nửa đầu năm 2024, vì nguồn cung dầu ngoài OPEC sẽ tăng nhanh hơn so với nhu cầu trong năm tới. Theo đó, Morgan Stanley giảm dự báo giá dầu Brent trong quý III/2023 xuống 75 USD/thùng từ mức 77,5 USD/thùng trước đó và dự báo cho quý IV từ 75 USD/thùng về 70 USD/thùng. Dự báo giá dầu Brent năm 2024 cũng được Morgan Stanley cắt giảm 5 USD mỗi thùng, còn 70 USD/thùng trong quý I; 72,5 USD/thùng trong quý II; 75 USD/thùng trong quý III và 80 USD/thùng trong quý IV.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu và Mỹ được dự báo sẽ giảm một nửa so với năm ngoái, trong khi giá than dự kiến sẽ giảm 42%. Các vật liệu như thủy tinh cũng rớt giá mạnh, trong khi kim loại đồng – được xem như một “hàn thử biểu” về tình trạng của nền kinh tế, được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện và máy móc công nghiệp, cũng giảm mạnh trong năm nay. Vào tháng Ba năm ngoái, giá đồng đạt mức cao nhất mọi thời đại 10.375 USD/tấn, sau đó sụt giảm và kết thúc năm với mức giảm gần 14%. Nếu tính từ đầu năm, giá đồng giao sau trên sàn COMEX ở New York giảm 1%. Quý II/2023, giá đồng giao sau trên sàn giao dịch tương lai ở Thượng Hải đã giảm 2,4%.
Nguy cơ tăng trưởng chậm và suy thoái kinh tế
Giới phân tích xem xu hướng trượt dốc của giá hàng hóa cơ bản nói chung là một “điềm xấu” về sức khỏe kinh tế toàn cầu, cho thấy nền kinh tế thế giới đang giảm tốc và có thể rơi vào suy thoái. Giá lương thực đi xuống một phần phản ánh hoạt động xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine được nối lại và điều kiện thời tiết mùa đông không quá khắc nghiệt, nhưng việc giá năng lượng và kim loại công nghiệp trượt dài - điển hình là dầu thô, quặng sắt và đồng - có liên quan nhiều hơn tới sức khỏe kinh tế.
Theo Wall Street Journal, sự sụt giảm giá cả hàng hóa là dấu hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất bị thu hẹp, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, thậm chí là rơi vào suy thoái.
Những kỳ vọng của giới đầu tư về sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của Trung Quốc đối với các vật liệu công nghiệp và năng lượng khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc trong tháng Tư và tháng Năm năm 2023 lần lượt giảm xuống ngưỡng 49,2 và 48,8. Việc chỉ số ở dưới ngưỡng 50 cho thấy sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ số giá sản xuất (PPI) – đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy trong tháng 5 cũng giảm 4,6%, đánh dấu tháng đi xuống thứ 8 liên tiếp.
Số đơn hàng mới giảm sút cũng khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2023 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 3 tháng. Hoạt động nhập khẩu cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, một phần là do nhu cầu đối với hàng hóa, nguyên liệu thô yếu hơn.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ và châu Âu, nơi các nhà sản xuất đang gặp khó khăn. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống mức 46,9 – đánh dấu tháng giảm thứ bảy liên tiếp, trong khi chỉ số PMI sản xuất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi xuống mức 44,6, ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ mười một liên tiếp. Kinh tế Eurozone và Đức – cường quốc sản xuất hàng đầu của khối, thậm chí đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quí I/2023.
Việc nhu cầu suy yếu trên thị trường hàng hóa khiến cho giới đầu tư ngày càng nghiêng về khả năng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn hoặc thậm chí, rơi vào suy thoái.
Trong các dự báo mới nhất, cả Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều vẫn nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm hơn đáng kể so với năm ngoái. Cụ thể, WB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn mức dự báo hồi tháng 1/2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3,1% của năm ngoái. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 bị hạ từ 2,7% xuống còn 2,4%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói về nguy cơ suy thoái. Việc giá hàng hóa giảm, một phần là do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng chưa phải là tín hiệu cho một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Nền kinh tế thế giới, mặc dù suy yếu, vẫn có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay và năm tới.
Theo các nhà phân tích, việc nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng sẽ giúp vực dậy thị trường hàng hóa trong thời gian tới, khiến giá không giảm sâu hơn. Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng được kỳ vọng sẽ giúp thắt chặt nguồn cung vào nửa cuối năm. Các kim loại cũng có thể nhận được sự hỗ trợ khi Trung Quốc gia tăng đầu tư cho lưới điện và trong dài hạn hơn, là động lực từ nhu cầu về vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng./.
Tiến Long