Sơn La: Những thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

|

Sơn La: Những thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

 

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên là 14.125 km2; dân số trên 1,24 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sơn La có khí hậu nhiệt đới, mang đặc điểm khí hậu chung của vùng Tây Bắc, rất có lợi thế để phát triển các loại nông, lâm sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Những năm gần đây, Sơn La đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp khởi sắc không chỉ góp phần nâng cao đời sống người nông dân mà còn khẳng định việc chú trọng phát triển nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, hiệu quả của địa phương.

 
UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị đánh giá 5 năm
(giai đoạn 2016 – 2020) thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, nhất là các quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Tỉnh Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, lĩnh vực sản xuất Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và có ý nghĩa nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Đinh Tùng

Theo đó, cơ cấu tổng sản phẩm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2016 là 24,5%. Năm 2020, giá trị tổng sản phẩm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 7.575 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 4,35%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt 13.860,758 tỷ đồng, tăng 2.798,665 tỷ đồng so với năm 2016. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự chuyển dịch như sau: Năm 2016, Nông nghiệp: 90,7%, Lâm nghiệp: 7,1%, Thủy sản: 2,2%; Năm 2020, Nông nghiệp: 90,1%, Lâm nghiệp: 8%, Thủy sản: 1,9%.

Sơn La hướng tới sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo quan điểm đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm diện tích lúa nương trên đất dốc. Chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp theo hướng mở rộng quy mô diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện. Tập trung cho đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tăng cường cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc đưa vào trồng một số giống cây ăn quả mới như nhãn chín muộn, bơ, xoài… Với diện tích gieo trồng cây hàng năm 213.041 ha; Diện tích cây lâu năm 108.897 ha.

Trao đổi kinh nghiệm trồng na tại HTX na Mé Lếnh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Tư liệu

Trong đó, diện tích lúa 51.564 ha, sản lượng 198.964 tấn; ngô 85.302 ha, sản lượng 364.200 tấn; sắn 36.864 ha, sản lượng 432.423 tấn; mía 7.852 ha, sản lượng 512.784 tấn; rau 11.058 ha, sản lượng 158.925 tấn; cao su 5.879 ha, sản lượng 3.383 tấn; chè 5.686 ha, sản lượng chè búp tươi 48.630 tấn; cà phê 17.804 ha, sản lượng cà phê nhân 27.642 tấn; dược liệu 1.560 ha, sản lượng 4.210 tấn. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 78.850 ha (Trong đó xoài: 18.918 ha, chuối: 5.350 ha, na: 352 ha, chanh leo: 1.894 ha, bơ: 1.254 ha, cây ăn quả có múi: 4.962 ha, nhãn: 18.702 ha, sơn tra: 12.460 ha, cây ăn quả khác: 14.958 ha). So với năm 2016 diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 18,7%; Diện tích cây lâu năm tăng 113,4%. Giai đoạn 2016-2020 diện tích chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng cây ăn quả, trồng mới cây ăn quả trên 52.191 ha.

              Thu hoạch xoài ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Tuấn

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng về chủng loại, hình thức chăn nuôi. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu lai tạo giống, chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho gia súc gia cầm. Việc đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình đã góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng cho ngành chăn nuôi. Các hình thức chăn nuôi trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hoá đang từng bước được quan tâm triển khai thay thế phương thức chăn nuôi nhỏ, lẻ kém hiệu quả tại các địa phương. Năm 2020, tổng đàn trâu: 124.338 con; đàn bò thịt: 331.796 con; đàn bò sữa: 26.156 con; đàn lợn: 619.416 con; đàn ngựa: 6.527 con; đàn dê: 162.770 con; đàn gia cầm các loại: 7.121 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 74.814 tấn; sản lượng sữa tươi: 85.334 tấn; sản lượng mật ong: 743 tấn. So với năm 2016, đàn trâu giảm 5,2%; đàn bò thịt tăng 33,1%; đàn bò sữa tăng 45,4%; đàn lợn tăng 1,7%; đàn ngựa giảm 8,1%; đàn dê giảm 31,7%; đàn gia cầm các loại tăng 19%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 27,8%; sản lượng sữa tươi tăng 14,9%; sản lượng mật ong tăng 240,3%.

Nông dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thu hoạch nhãn chín sớm. Ảnh: Đức Tuấn

Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Tập trung khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn và các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Tăng cường trồng rừng tập trung theo hướng liền vùng, liền khoảnh, tăng diện tích rừng ở các vùng đất trống, đồi, núi trọc, đất xấu, trồng rừng dọc hành lang giao thông… nhằm tăng nhanh độ che phủ rừng, hạn chế lũ, bảo vệ hồ Thủy điện Sông Đà. Mặc dù vậy, việc trồng rừng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, diện tích rừng sản xuất đạt thấp, việc khai thác lâm sản trái phép chưa được ngăn chặn hiệu quả, công tác phòng chống cháy rừng còn hạn chế. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 42,3% năm 2016 lên 45,4% năm 2020.
Về lĩnh vực thủy sản: Ứng dụng và mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, nuôi cá lồng, bè. Có sử dụng thức ăn công nghiệp đối với một số đối tượng nuôi chính như: Chép, trôi, trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng, lăng, tầm. Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản 2.767 ha; số lồng nuôi 8.758 lồng; sản lượng thủy sản 8.335 tấn. So với năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 4,6%; số lồng nuôi tăng 319,7%; sản lượng thủy sản tăng 30,3%.

Các hộ dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu thu hái chè
            cung cấp 
nguyên liệu cho Vinatea Mộc Châu

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt 2.838 ha; Diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ: 14.600 ha. Sản lượng cá sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 2.777 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 364 lít/năm. Tổng diện tích ghép cải tạo toàn tỉnh: 13.109 ha. Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…) tiết kiệm nước: 1.234 ha. Cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%; 580 hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt 100%. Áp dụng cơ giới hóa thực hiện ở khâu chặt hạ và vận chuyển lâm sản. Tàu thuyền có động cơ đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh có 1.988 chiếc. Toàn tỉnh đã được cấp 181 mã số vùng trồng với diện tích 4.701,2 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Tổng số sản phẩm OCOP: 83 sản phẩm (Trong đó: 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia - đạt 5 sao; 30 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 52 sản phẩm OCOP đạt 3 sao). Hỗ trợ duy trì, phát triển 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

Lãnh đạo Tổng Công ty Chè Việt Nam thăm quan vùng nguyên liệu chè của Vinatea Mộc Châu

Mặt khác, nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ nông dân trong chăn nuôi... Toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Mộc Châu Milk lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với mô hình liên kết 4 nhà bền chặt
(
Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học) nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm sữa

Giai đoạn 2016–2020, khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả (chủ yếu là quả nhãn, mận, xoài) quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Năm 2020, thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh lên đến 14 nước, bao gồm: Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE... Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu 108.483,4 tấn. Trong đó, quả các loại 21.077,40 tấn (Nhãn: 7.475,2 tấn; Xoài: 7.816,2 tấn; Chanh leo: 2.000 tấn; Chuối: 3.500 tấn; Mận hậu: 264 tấn; Thanh long: 22 tấn). Nông sản chế biến và nông sản khác 87.406 tấn (Chè: 8.500 tấn; Cà phê: 27.000 tấn; Tinh bột sắn: 43.000 tấn; Đường: 8.000 tấn; Rau các loại: 700 tấn; Ngô giống: 50 tấn; Tơ tằm: 5,8 tấn; Lõi ngô ép, than sinh học: 150 tấn).

  Mộc Châu Milk Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bò sữa nhằm nêu gương nông dân giỏi

Chương trình MTQG về XDNTM được tỉnh Sơn La triển khai quyết liệt, đồng bộ, với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân. Có nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng. Hình thành nhiều vùng nông nghiệp sản xuất tập trung, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Từng bước xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhất là trong tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước và đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, trực tiếp của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.



Sơn La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ   
và đạt được một số kết quả đáng tự hào, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước

Kết quả giai đoạn 2011-2019, tổng các nguồn vốn huy động, thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh đạt 28.857 tỷ đồng. Phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh tiếp tục đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, nhân dân hăng hái tham gia đóng góp đất đai, tài sản trên đất, tiền của, công sức, cùng nhà nước xây dựng và giám sát các công trình. Năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 41 xã so với năm 2016; Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 03 xã; Số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt được/xã: 13,5 tiêu chí; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng từ 4,3% năm 2016 lên 26,1% năm 2020. Không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới. Thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

            Xuất khẩu nhãn Sơn La sang thị trường Trung Quốc và các nước

Đến nay, 100% số xã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 84% năm 2016 lên 95% năm 2020; Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt 93,67%. Đời sống của người dân ở khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh, từ 31,91% năm 2016 giảm xuống còn 18,38% năm 2020; an sinh xã hội được đảm bảo... Tổng kết phong trào thi đua, tỉnh Sơn La đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua cho 2 tập thể, Bằng khen cho 61 tập thể và 100 cá nhân…/.

Trần Dũng Tiến
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La